(GD&TĐ) - Trước thềm kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay, một tin vui đến với làng báo TP.HCM: nhà báo nữ 39 tuổi Đoàn Nguyễn Thùy Trang - Phó Tổng Biên tập Báo Khoa học phổ thông - trúng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII. Một “đôi gánh” trên bờ vai bé nhỏ nhưng với nữ nhà báo - nghị sĩ này, làm “nhà báo hay ĐBQH thì mục đích cuối cùng cũng vì người dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân”. Vì thế, chị hạnh phúc khi được cống hiến.
Ai nói nghề báo chỉ dành cho… nam giới?
* Người ta thường cho rằng, nghề báo thuận cho nam giới. Là phụ nữ, chị chọn nghề báo hay bén duyên một cách tình cờ?
- Với riêng tôi, nghề báo là một sự lựa chọn và có chuẩn bị. Dường như tôi có duyên với chữ nghĩa từ nhỏ. Từ hồi lớp 5, tôi là học sinh giỏi Văn của thị xã, đến lớp 9 có mặt trong đội học sinh giỏi Văn cấp tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia, năm lớp 12, đoạt giải khuyến khích môn Văn toàn quốc và sau đó đỗ thủ khoa khoa Văn, khóa 15, trường Đại học Tổng hợp Huế. Quá trình học đại học là thời gian trau dồi kiến thức chuẩn bị cho nghề báo. Bên cạnh đó, người thân cũng ủng hộ và khuyến khích tôi theo nghề báo vì gia đình có hai người cậu đã từng làm báo. Nhiều người cho rằng nghề báo là nghề có nhiều nguy hiểm, thử thách, còn tôi nghĩ nghề báo rất thú vị, vì luôn đem đến cho người làm báo những trải nghiệm mới mẻ và rèn luyện bản thân họ thêm bản lĩnh hơn. Điều này rất quý báu mà không phải nghề nào cũng có được! Về vấn đề giới, tôi nghĩ phụ nữ cũng có rất nhiều người làm báo không thua kém gì nhà báo nam.
Nhà báo - Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang |
*Chị có thể nói rõ hơn về quan điểm này?
- Tôi nhớ có một nhà nghiên cứu từng nói rằng nghề báo là “dương”, còn phụ nữ là “âm” theo quan niệm âm - dương của phương Đông nên xét về cơ bản phụ nữ không thuận lợi lắm khi làm nghề báo. Đúng là phụ nữ đến với nghề báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi đối mặt với những hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp. Không có cách nào khác là các nhà báo nữ phải cần đến sự hỗ trợ của tổ chức, đồng nghiệp và nhất là bản thân phải trang bị kỹ năng để giải quyết tình huống hợp lý. Vấn đề nữa là làm báo thì giờ giấc không cố định, phụ nữ chọn nghề báo thì cả gia đình phải chấp nhận điều này vì thế cần phải có sự sắp xếp thời gian hợp lý. Ngoài ra, nhiều người trong xã hội vẫn còn định kiến rằng phụ nữ không nên theo nghề báo. Tôi nghĩ, để giải quyết vấn đề này thì chính các nữ nhà báo sẽ phải chứng minh bằng năng lực của mình. Cái quan trọng là phải biết điểm thuận lợi và khó khăn để thích nghi. Đến với nghề báo, phụ nữ có một vài ưu thế khá nổi trội, chẳng hạn như nhạy cảm trong phát hiện vấn đề, đề tài; khả năng giao tiếp khéo léo; sự kiên nhẫn để theo đuổi sự việc đến cùng… Nhiều nữ nhà báo đã tạo được phong cách riêng cho ngòi bút của mình. Nhiều năm làm báo nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng phát huy những thế mạnh đó.
* Một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thời gian làm báo của chị?
- Với tôi, kỷ niệm lớn nhất là những lần gặp gỡ, tiếp xúc với người dân. Tôi còn nhớ hồi năm 1999, miền Trung chịu một trận bão lụt lớn. Khi đó, cùng với các báo tại TP.HCM, báo Khoa học phổ thông cũng tổ chức cứu trợ thuốc men, lương thực ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Trực tiếp tham gia chuyến đi, tôi tận mắt chứng kiến những khó khăn, vất vả và thiếu thốn của người dân sau trận lũ lụt. Trong khi tổ chức cứu trợ, tôi trò chuyện với một phụ nữ có nhà bị lũ cuốn trôi. Chị kể rằng khi lũ ập đến, cả nhà chị chỉ kịp chạy thoát ra ngoài, toàn bộ tài sản bị lũ cuốn hết. Trong lời kể của chị vẫn còn nguyên cảm giác hoảng loạn mà chị vừa trải qua: “Lũ tới, tôi vừa chạy vừa ngoái nhìn và thấy nước lũ xếp cái nhà của mình lại”. Những cảm xúc đó, cách kể chuyện đó, nếu nhà báo ngồi ở nhà không đi thực tế sẽ không bao giờ có được sự đồng cảm! Tôi đã đưa chi tiết đó vào bài viết gửi về tòa soạn ngày hôm sau. Bài viết được ban biên tập đánh giá tốt và làm rung động những tấm lòng của độc giả.
* Ở cương vị quản lý, yêu cầu của chị đối với đội ngũ phóng viên như thế nào?
- Ở cương vị là Phó tổng biên tập, quản lý đội ngũ phóng viên, tôi luôn sát cánh bên phóng viên để định hướng đề tài, chỉ đạo nội dung. Để có tác phẩm báo chí chất lượng, đòi hỏi đội ngũ phóng viên phải chuyên nghiệp, đặc biệt luôn giữ đạo đức nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng và phải lao động nghề nghiệp nghiêm túc, nhất là phải nhạy bén, sáng tạo trong tiếp cận vấn đề và thu thập thông tin. Tôi luôn xem đội ngũ phóng viên là những đồng nghiệp thân thiết của mình, cùng chia sẻ những khó khăn và động viên, giúp đỡ kịp thời.
Nhà báo tham gia nghị trường có nhiều thuận lợi
* Chị suy nghĩ như thế nào khi quyết định ứng cử Đại biểu Quốc hội?
- Khi được Hội nhà báo TP.HCM chọn và giới thiệu ra ứng cử ĐBQH, tôi rất bất ngờ và lo lắng. Sau khi suy nghĩ cân nhắc, rồi được lãnh đạo cơ quan và gia đình ủng hộ, tôi quyết định tham gia ứng cử vì mong muốn được đóng góp công sức vào những công việc chung của đất nước.
Bây giờ, tôi rất vui vì được người dân tín nhiệm bầu làm ĐBQH. Đây là một trách nhiệm lớn và tôi phải chuẩn bị ngay từ bây giờ, từ sắp xếp công việc cơ quan, gia đình, tìm hiểu công việc, hoạt động cụ thể của một ĐBQH... Dù còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước nhưng trong lòng tôi luôn nghĩ phải làm hết sức mình trong vai trò của một ĐBQH.
Nhà báo - Đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang |
* Ở cương vị ứng cử viên ĐBQH, chị cảm nhận như thế nào khi tiếp xúc với người dân và lắng nghe nguyện vọng của họ?
- Qua những cuộc tiếp xúc với cử tri thuộc các giới và các thành phần trong xã hội, tôi càng hiểu thêm những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc như vấn đề đạo đức xã hội, chất lượng giáo dục, đất đai, quy hoạch, môi trường, giá cả đời sống, hạ tầng đô thị… Từ đó, tôi hiểu rằng người dân đặt nhiều kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội, họ mong muốn các ĐBQH góp sức cùng giải quyết những vấn đề đó để cải thiện chất lượng cuộc sống. Tôi tâm niệm rằng mình phải nỗ lực hết sức mình để góp phần giải quyết các vấn đề mà người dân gửi gắm.
Công việc của nhà báo và công việc của ĐBQH dù có những đặc trưng khác nhau, nhưng xét đến cùng cũng là vì người dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Nhà báo tham gia hoạt động Quốc hội có một số thuận lợi vì trong quá trình tác nghiệp đã có sự gần gũi và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân.
* Công việc của chị chắc chắn rất bận rộn. Vậy chị sắp xếp thời gian như thế nào dành cho gia đình và bản thân?
- Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày thôi nên phải sắp xếp thời gian như thế nào cho hợp lý. Tôi tự nhận thấy mình là người luôn muốn có sự chu toàn, từ công việc chung đến việc riêng. Vì vậy, không có cách nào khác là phải phân chia thời gian chặt chẽ, công việc nào quan trọng và cấp bách thì phải làm ngay, còn lại tùy theo mức độ cần thiết sẽ giải quyết theo trình tự. “Bí quyết” của tôi là lên kế hoạch cụ thể cho một ngày làm việc và cố gắng thực hiện đúng lịch trình. Tuy nhiên, phải dự đoán trước những vấn đề có thể phát sinh trong từng việc để nếu có thể thì chủ động thực hiện trước một bước.
Dù bận rộn nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian thích hợp cho gia đình, duy trì buổi cơm chiều cho cả nhà, dạy con học buổi tối, chơi với con và dành ít thời gian chăm sóc bản thân. Tôi may mắn có được “ông xã” luôn chia sẻ, động viên tôi mỗi khi tôi gặp khó khăn vì anh ấy luôn mong muốn tôi có sự tiến bộ trong công việc.
Nhà báo Đoàn Nguyễn Thùy Trang sinh ngày 12 tháng 8 năm 1972 tại Hội An, Quảng Nam. Trình độ: Cử nhân Ngữ văn, Cử nhân Anh văn. Chị hiện là Phó Tổng Biên tập, Bí thư Chi bộ Báo Khoa học phổ thông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo TP. HCM, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM |
PV