(GD&TĐ) – Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập được coi là “cứu cánh”, góp phần quan trọng chia sẻ gánh nặng quá tải hiện nay khi mà hệ thống các trường công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của trẻ. Phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục, mang lại những lợi ích cụ thể, … là điều không khó nhận thấy từ các cơ sở GD này. Tuy nhiên vấn đề chất lượng có “cao” như tên gọi, và học phí có “phải chăng” và xứng đáng với kỳ vọng của các bậc phụ huynh hay không?.
Đây là những vấn đề cần được các cấp quản lý quan tâm, nhằm tạo ra một hành lang hợp lý để các trường có Barem tự đánh giá năng lực và định giá mức thu học phí đảm bảo quyền lợi về học tập và vui chơi của trẻ.
Trường tư chia sẻ nỗi lo quá tải với hệ thống trường công (Ảnh: MH) |
Cơ sở vật chất
Nếu ghé thăm một trường “mầm non chất lượng cao” bất kỳ tại Hà Nội, có thể dễ dàng nhận thấy, ngay từ cơ sở vật chất của các trường đã không hề “cao” như lời giới thiệu. Đó là chưa kể đến khâu dạy dỗ và vấn đề dinh dưỡng thì còn cần phải “tìm” lâu mới có thể “hiểu” được.
Với một ngôi nhà ống khoảng 3 hay 4 tầng, diện tích mặt sàn độ 30 – 40m2 đã có thể chưng biển “chất lượng cao” và mở cửa chiêu sinh. Hầu hết các trường thường dùng tầng 1 để “làm hàng”, trang bị đồ chơi, trang trí vui mắt, cài gắn thiết bị, … nhằm thu hút sự quan tâm và thuyết phục sự lựa chọn của phụ huynh.
Trong khi cơ sở vật chất thì không thể rộng thêm nhưng bao giờ các trường cũng “chiêu sinh liên tục”, không giới hạn số trẻ nhận vào và cũng chưa từng từ chối khi có phụ huynh gửi con. Thâm chí, một phòng học diện tích khoảng hơn 20m2, với 2 cô giáo phụ trách và đã có đến 16 trẻ ở độ tuổi 12 đến 24 tháng trong lớp, các trẻ mới vẫn được chào đón rất nhiệt tình.
Chị Hoài An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, tôi có con gái 20 tháng tuổi, trường công ở khu vực nhà tôi ở thì không có nhiều chỉ tiêu cho các cháu nhỏ tuổi nên đành tìm trường tư để gửi cháu. Tuy nhiên, hầu hết các trường mầm non tư thục tôi đã thăm đều rất chật chội, con không có chỗ để chạy nhảy, vận động. Những món đồ chơi rèn luyện thể chất các trường cũng không thể trang bị vì thực sự không có không gian.
Chị Thanh Hà (quận Tây Hồ, HN) cho biết, đi tìm trường tư thục để gửi con, tôi xem Website, hỏi thăm các phụ huynh, rồi đến thăm trường và thực sự ngạc nhiên với cơ sở vật chất của trường “chất lượng cao”. Với một phòng chưa đầy 10m2, có đến 8 cháu nhỏ khóc mếu, mũi dãi và 2 cô giáo mướt mát mồ hôi. Với không gian như thế người lớn còn lăn ra ốm chứ nói gì đến trẻ nhỏ. Vì còn có lựa chọn nên tôi cho con ở nhà với ông bà thêm một thời gian nữa mới tìm chỗ cho con đi lớp.
Tuy nhiên, vì không có lựa chọn khác nên các phụ huynh phải chọn giải pháp chọn trường gần nhà nhất để tránh khi nắng, khi mưa, đưa đón con cho thuận tiện. Và xác định, gửi con một thời gian ngắn khi con đủ tuổi rồi tìm cơ hội gửi con vào trường côn.
Thường xuyên thay đổi giáo viên
Một trong những vấn đề được các phụ huynh gửi con trường tư hay rỉ tai nhau là vấn đề thay đổi giáo viên rất thường xuyên. Đối với trẻ nhỏ, nhất là nhóm trẻ mới gia nhập môi trường mới, rất cần có người chăm sóc quen thuộc, hiểu tính cách, đặc điểm sinh hoạt mới có thể mang lại những điêu tốt nhất cho các bé.
Một cô giáo trường mầm non tư thục chất lượng cao tâm sự, em ra trường được 6 năm và đã chuyển nơi làm việc đến 3 lần, không phải vì em muốn thế mà vì hoàn cảnh, có trường bị phá sản, trường thì chuyển địa bàn, … Hầu hết các nơi em đã làm đều có ý thức tận dụng tối đa công sức của giáo viên mà trả lương rất bèo bọt.
Vấn đề đãi ngộ giáo viên của các trường tư luôn luôn đáng bàn. Các giáo viên thường bị “thiết quân luật” và cảm thấy nhiều bức xúc khó trình bày thẳng thắn với quản lý trường. Và vì thế, khi cảm thấy không chịu nổi, giáo viên sẽ lặng lẽ ra đi.
Các trường tư tuyển sinh liên tục và cũng liên tục tuyển giáo viên để thay thế các giáo viên cũ có thể dời trường bất cứ lúc nào.
Chị Thanh Vân (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, con gái hiện nay đã được hơn 2 tuổi, đi học trường mầm non chất lượng cao từ lúc 16 tháng. Tâm lý trẻ hay gắn bó và theo sát người đón và dỗ dành con những buổi đầu bỡ ngỡ. Khi đột nhiên bị thay đổi cô giáo, con lại khóc mếu, lại kém ăn, và gần như phải làm quen lại như những ngày đi học đầu tiên. Mỗi lần có thông báo thay đổi cô giáo của con, tôi cảm thấy lo lắng thực sự.
Một không gian sư phạm thoáng, rộng là mơ ước của trẻ trường tư |
Mỗi trường mỗi giá
Qua tìm hiểu một số trường mầm non tư thục trên địa bàn Hà Nội, mức học phí, tiền ăn gần như mỗi trường mỗi khác. Cùng trên địa bàn Hà Nội nhưng mức thu giữa các quận khác nhau, thậm chí tại cùng một phường cũng mỗi trường mỗi kiểu.
Khung dao động mức thu của các trường cách rất xa nhau, từ 1,6 triệu đồng – 3,5 triệu đồng/tháng. Với trường tư, mọi chi phí sẽ được cõng vào các khoản thu từ học sinh. Nhiều trường còn tính tiền trông quá giờ theo phút cộng dồn cả tháng.
Thông thường các trường tư không có khoản “quỹ hội cha mẹ học sinh” hay tiền “xây dựng”,… kiểu diễn giải rườm rà như một số trường công. Tuy nhiên, lại có khoản gộp gọi là “tiền cơ sở vật chất và học phẩm” với mức thu từ 500.000 đồng – 1,5 triệu đồng. Đây là khoản thu mang tính bắt buộc và nhiều trường còn ghi chú rõ ràng “không hoàn lại với bất cứ lý do gì”.
Nếu so sánh mức thu giữa trường mầm non tư thục và công lập, sẽ nhận thấy một nghịch lý giữa “giá cả” và “chất lượng”. Trường công thường có cảnh quan và môi trường sư phạm ổn hơn nhiều hoặc ít nhất cơ sở vật chất được xây dựng với mục đích rõ ràng là để làm trường học. Việc dạy và học ở trường công cũng có quy chuẩn và được giám sát chặt chẽ bởi các nhà quản lý trực tiếp có trình độ và nghiệp vụ sư phạm. Và mức học phí của trường công thu theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.
Mức thu ở trường mầm non “chất lượng cao” thường cao gấp ít nhất 2 lần, có trường cao gấp 5 lần mức thu của trường công.
Phụ huynh xác định đây là hình thức kinh doanh, “thuận mua vừa bán” nên với những tìm hiểu của bản thân, sự lựa chọn phụ thuộc vào con mắt đánh giá của chính mình. Và khi đã chọn lựa thì phụ huynh cũng phải “nhắm mắt” chấp nhận mức phí và các điều kiện kèm theo khác,.. vì không còn cách nào khác.
Mặc dù trường ngoài công lập của bậc học mầm non còn nhiều bất cập, song không thể phủ nhận vai trò chung vai gánh vác mối lo “quá tải” với ngành giáo dục nhiều địa phương. Thiết nghĩ, cần có khung quy định cụ thể hơn, giám sát chặt chẽ hơn từ các cấp quản lý cả về mặt chất lượng và mức thu mới có thể mang lại quyền lợi chính đáng cho con trẻ, làm hài lòng các bậc phụ huynh.