(GD&TĐ)-Trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ KH-ĐT trong việc thất thoát vốn, làm ăn kém hiệu quả của các tập đoàn, DNNN, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết: "các tập đoàn không báo cáo. Bộ KH-ĐT thật sự không nắm được tình hình ở các tập đoàn. Trường hợp của Vinashin, Vinalines cũng vậy".
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trả lời chất vấn |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 13/6, Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh đã nhận được 27 câu hỏi chất vấn ập trung vào những nội dung như quản lý vốn đầu tư tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và việc sử dụng vốn tại các địa phương,
Chất vấn về Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đặt ra chất vấn về trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc phát hiện sai phạm trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà cụ thể là trong vụ Vinalines.
Trả lời đại biểu Lê Thị Nga, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết sai phạm tại Vinalines về nguyên tắc có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nghị định, quy định đã quy định chặt chẽ trách nhiệm của tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong sử dụng vốn nhà nước. Do đó các tập đoàn, tổng công ty không có trách nhiệm phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên Bộ không nắm được.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn ĐB Thái Nguyên) đặt câu hỏi chất vấn |
Đại biểu Lê Thị Nga tiếp tục chất vấn lại: “Tôi thấy Bộ trưởng có nhận một phần trách nhiệm của Bộ trong việc giám sát đầu tư các tập đoàn, TCT Nhà nước. Tôi cho rằng đây là câu trả lời nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là do tập đoàn, TCT không báo báo nên Bộ không nắm rõ? Vậy Bộ tham mưu gì cho chính phủ trong việc chống tham nhũng, thất thoát vốn?”
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời: “Bộ KH-ĐT khi phát hiện những bất cập trong các văn bản pháp lý đã báo cáo chính phủ và đã được chính phủ chấp nhận trình lên QH. Trong quá trình sửa đổi luật, Bộ KH-ĐT đã đề nghị bổ sung thêm ít nhất là hai luật liên quan đến vấn đề này, là Luật DN và Luật Đầu tư.
Về các sai phạm của Vinalines, theo Bộ trưởng Vinh, trong các luật quy định DN chỉ báo cáo chủ sở hữu, không báo cáo lên bộ ngành. Bộ KHĐT có đến xin các báo cáo cũng không được. Thậm chí khi viện trưởng Viện kinh tế xuống họ cũng không thèm tiếp vì họ không có trách nhiệm phải báo cáo. Tôi nhận có trách nhiệm liên quan đến quản lý chung, còn về cái cụ thể rất khó.
Đại biểu Trần Du Lịch nhắc lại: “Sau khi xảy ra vấn đề Vinashin, Vinalines chúng ta thấy rõ một lỗ hổng trách nhiệm. Sự việc như vậy, mà các Bộ liên quan như KH ĐT, Tài chính, Bộ quản lý ngành… không có trách nhiệm gì hết. Tôi biết rằng, Thủ tướng đã chỉ đạo, trước khi xảy ra vụ Vinashin, sửa đổi Nghị định xác định trách nhiệm về quản lý, nhưng rất tiếc là kéo dài không biết lý do gì. Đề nghị Bộ trưởng nên xem lại là bao giờ có được Nghị định này. Cơ chế quản lý hiện nay, không thể loại trừ trách nhiệm của Bộ trưởng KH-ĐT. Chúng ta không thể nào giao cho Vinashin lúc đó có quyền quyết định hơn 50.000 tỷ, trong khi chỉ cần có qui mô 20.000 tỷ là dự án phải trình Quốc hội. Bộ trưởng phải hứa rằng, bao giờ mới tham mưu và lấy được ý kiến để Thủ tướng ban hành Nghị định qui định rõ trách nhiệm: Bộ KH-ĐT, Bộ tài chính và bộ quản lý ngành trong vấn đề quản lý, đầu tư vốn Nhà nước trong các tập đoàn, tổng công ty”.
Chất vấn về nội dung này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhắc lại: Cách nay 2 năm tại Hội trường này, Bộ trưởng KH-ĐT và một đồng chí thường vụ Quốc hội tranh luận thì Bộ “vô can” trong những việc xảy ra ở tập đoàn. Vì Chủ tịch tập đoàn, TCT quyết hết, chúng ta không biết gì cả. Vậy một nguồn lực lớn nhân dân giao như vậy, cơ quan tham mưu là Bộ KH-ĐT phân bố nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực, Bộ trưởng có xót xa khi dùng tiền đó như tiền của các ông mà không phải của nhân dân? Chậm trễ này phải sửa như thế nào? Hay là chúng ta tiếp tục để Bộ KH vô can trong tất cả những thất thoát đó?”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Tôi rất xót xa và rất trăn trở. Nhưng chúng tôi thấy rằng, luật pháp về cơ bản chưa thật hoàn thiện và có thể mỗi một kỳ Quốc hội lại nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau. Nhưng về cơ bản hệ thống pháp luật đã cơ bản rõ, kể cả trong Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người. Người ta biết là sai phạm nhưng vẫn cố tình làm. Ngoài tích cực hoàn thiện thể chế thì còn phải quan tâm đến phẩm chất đội ngũ cán bộ, những người trực tiếp đụng chạm đến tiền – hàng là vấn đề rất quan trọng. Còn nếu luật bằng 10 mà họ cố tình vi phạm, quyết tâm vì cá nhân mà vượt lên tất cả thì pháp luật phải xử lý.
Chính phủ cũng đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện chủ sở hữu ở doanh nghiệp là ai và cũng phân rõ Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện của Bộ mình quản lý. Bây giờ phải có người chịu trách nhiệm chính, có quyền kiểm soát, thanh tra, tiếp cận với doanh nghiệp và thường xuyên được báo cáo, xin ý kiến, chứ không phải tiền của Nhà nước tiêu như tiền của tư nhân.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết hiện Nghị định 132 của Chính phủ quy định về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhưng sẽ phải làm rõ hơn điều này theo hướng Bộ chủ quản chuyên ngành sẽ là đại diện chủ sở hữu vốn này. Bộ KHĐT đã có kế hoạch sửa Nghị định này nhưng nổi lên một số vấn đề là chủ sở hữu vốn trước là Nhà nước nay chuyển sang các Bộ, ai chịu trách nhiệm bổ nhiệm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị?
“Tôi nghĩ rằng, vốn ở DNNN là vốn của Nhà nước, kể cả vốn chủ sở hữu là Nhà nước cấp và vốn mà DN đi vay thì cũng là của Nhà nước. Vì khi DN đổ bể, Nhà nước phải cứu trợ, Nhà nước phải bảo lãnh. Cho nên không thể bung ra như DN tư nhân được. Cho nên, các quyết định đầu tư, những dự án lớn đều phải báo cáo, chứ không thể nói là không được và phải có người giám sát việc này chứ không thể trao một quyền quá lớn như vậy. Tất nhiên là có Luật pháp qui định. Chúng ta cần có cơ chế thay đổi cái này”. Bộ trưởng Vinh trả lời:
Trả lời bổ sung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi đầu tư phải được Thủ tướng phê duyệt sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và bộ chuyên ngành. Trong sai phạm của Vinalines thì Thanh tra Chính phủ có kết luận rõ ràng là trách nhiệm chính là Chủ tịch Tập đoàn và giám đốc các đơn vị thành viên.
Bộ trưởng Tài chính báo cáo thêm, theo Nghị quyết 1942 của Quốc hội thì tách bạch quyền sở hữu và điều hành của cơ quan chủ quản và hiện nay chúng ta đang lúng túng thực hiện quy định này. Bộ trưởng đề nghị thành lập mô hình Tổng cục quản lý giám sát doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính làm nhiệm vụ tổng hợp, theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nâng cấp Vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước thành Tổng cục này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tăng cường giám sát, kiểm toán việc sử dụng vốn ở 3 tầng: nội bộ tập đoàn, tại chủ sở hữu và Thanh tra Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị xây dựng Luật quản lý vốn Nhà nước và đã được Quốc hội đưa vào chương trình làm luật năm 2013.
Liên quan đến việc đầu tư dàn trải, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết đang có hai quan điểm, một là Nhà nước khoán cho các địa phương quản lý đầu tư công nên tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển… Thứ hai, cho rằng thực chất các dự án đầu tư là do trung ương quyết định chứ địa phương không quyết bởi đầu tư công là xin - cho và cả 2 đều có lợi ích chung.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện đất nước trong giai đoạn cần nhiều vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công. Một trong những nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khắc phục tình trạng dàn trải đầu tư. “Đây là quyết tâm của tôi hoàn thành công tác này”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cho biết từ Điều 83- 89 Luật tổ chức UBND, HĐND quy định rõ vai trò của UBND, HĐND phải làm gì để phát triển kinh tế địa phương nên địa phương nào cũng tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị cần thay đổi luật và những nội dung liên quan trong Hiến pháp liên quan đến tổ chức UBND, HĐND để hạn chế việc đầu tư tràn lan này. Bộ trưởng cho rằng cần phân cấp như cũ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không ghi chi tiết từng dự án mà ghi tổng vốn để các địa phương lựa chọn danh mục dự án dựa trên nguyên tắc Chính phủ đưa ra.
Thứ hai, là địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn mới được ký quyết định phê duyệt dự án. Nếu ký rồi mà để thất thoát vốn, công trình thi công kéo dài thì người ký chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bộ trưởng nói rõ thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao số vốn trung ương có cho các địa phương trong 3- 5 năm tới. Cộng với số vốn địa phương đang có để triển khai, để không thể “chạy” vốn cho dự án.
Ghi nhận quyết tâm chống dàn trải đầu tư của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhưng theo đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng chưa nói rõ gốc đi đến dàn trải ở đâu. Đại biểu cho rằng là từ cách lập kế hoạch, cơ cấu kinh tế của địa phương, mỗi địa phương có một cơ cấu kinh tế riêng.
Trả lời đại biểu Trần Du Lịch, Bộ trưởng cho rằng cần phải đổi mới tư duy sâu sắc thì mới bỏ được cơ cấu kinh tế địa phương. Về thay đổi cơ cấu, thể chế kinh tế, cần có nhiều hội thảo khoa học từ Trung ương tới địa phương để làm rõ vấn đề này. Trước mắt chúng ta phải ngăn chặn đầu tư dàn trải, không có hiệu quả theo các giải pháp đã nêu.
Về vấn đề nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến là nguồn lực để thực hiện tái cấu trúc kinh tế là gì và nếu lấy từ ngân sách nhà nước thì Chính phủ đảm bảo ngân sách?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, quan điểm là tái cơ cấu kinh tế chắc chắn cần có nguồn lực, nhưng quan trọng là khâu nào cần nguồn lực hỗ trợ.
Trong tái cấu trúc doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp phải tự mình tái cơ cấu công nghệ, quản trị để tạo sản phẩm chất lượng. Về phía Nhà nước, sẽ không phải bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ mà theo cơ chế thị trường, sẽ định hướng cho nền kinh tế chuyển đổi theo.
Bộ trưởng nêu ví dụ các ngành nghề chuyển từ công nghệ kém, ô nhiễm, không tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu mà chuyển sang công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì Nhà nước có định hướng và có ưu đãi đối với doanh nghiệp có khả năng như miễn giảm, ưu đãi, hỗ trợ công nghệ nguồn…“Khi có chính sách như vậy thì xuất hiện nguồn lực”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, đây là đề án tổng thể, định hướng quan điểm, mục tiêu, giải pháp cho các đề án thành phần. Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ hoàn chỉnh và giao các bộ, ngành địa phương thực hiện các dự án thành phần.
Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là phần trả lời nghiêm túc, có trách nhiệm.
Minh Duy