Theo Reuters, ngay sau thông tin Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz qua đời, giá giao dịch dầu thô West Texas Intermediate (WTI) Mỹ bất ngờ tăng 3,1%. Trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, WTI đã tăng giá thêm 0,93 USD, tương đương 2.01%, đạt mức 47,24 USD/thùng.
Chuyên gia John Kilduff, thuộc Quỹ đầu tư Again Capital LLC ở New York, Mỹ nhận định: “Quốc vương Abdullah được cho là “kiến trúc sư” của chiến lược giá dầu thế giới hiện nay, ông kiên quyết giữ vững mức khai thác, tuyệt nhiên không hề cắt giảm cho dù giá dầu xuống tới mức kỷ lục”.
“Sự ra đi của Quốc vương Abdullah sẽ khiến giá dầu thêm bất ổn trong thời gian tới. Đây là thời điểm vô cùng khó khăn của Saudi Arabia và tôi nghĩ là chưa có bất cứ sự thay đổi chính sách ngắn hạn nào trong tương lai gần”, chuyên gia Kilduff nói
Nhận định về chính sách của người kế nhiệm ở Saudi Arabia, là Quốc vương Salman bin Abdul Aziz, chuyên gia Kilduff nói rằng: “Nhà vua mới được biết đến như là một người bảo vệ quyền lợi của Saudi Arabia, trong tương lai gần khả năng chưa thay đổi các chính sách của OPEC. Thị trường đang chờ đợi những bước chỉ đạo của ông”.
Saudi Arabia là đầu tàu trong nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nắm giữ tới 16% trữ lượng dầu thế giới, có ảnh hưởng lớn về giá năng lượng và sự ổn định chính trị ở Trung Đông. Chính quốc gia này hiện nay đang quyết định ghìm giá dầu, giữ nguyên khối lượng khai thác, không cắt giảm bất chấp giá dầu sụt giảm đáng kể.
Biến động chính trị ở Saudi Arabia và mối quan hệ với khu vực
Nhiều thách thức đang chờ đón người kế nhiệm ở Saudi Arabia là Tân Quốc vương Salman, 79 tuổi. Từ việc chuyển giao quyền lực nội bộ cho tới các vấn đề đối ngoại: giải quyết ra sao mối quan hệ với Mỹ, Iran, Iraq, sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng ở Yemen và sự ổn định chính trị ở Trung Đông?
Theo Times of India, trong năm thập kỷ là thống đốc Riyadh, Tân Quốc vương Salman nổi tiếng là một nhà kinh tế lão luyện trong việc quản lý cân bằng lợi ích người dân bản địa, dân nhập cư, các bộ tộc và Hoàng gia, đồng thời duy trì quan hệ tốt với phương Tây.
Về lâu dài, Saudi Arabia đang phải đối mặt với thực trạng gia tăng dân số quá nhanh, việc làm không đủ đáp ứng tỷ lệ lao động và một nền kinh tế vẫn còn quá phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Trong quan hệ quốc tế, giới phân tích khẳng định sẽ dõi theo những động thái của quan hệ Saudi Arabia – Mỹ. Quốc vương quá cố Abdullah bin Abdulaziz kể từ thời điểm lên nắm quyền 2005 chủ trương thân Mỹ và được cho bắt tay với Mỹ trong việc “tung hứng” giá dầu hiện nay.
Ngay khi có thông tin Quốc vương Abdullah qua đời, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ sự tiếc thương, đồng thời nhấn mạnh: Quốc vương là người có quan điểm và niềm tin vững chắc vào “tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia như một động lực cho ổn định và an ninh ở Trung Đông”.
Mối quan tâm tiếp theo của dư luận là liệu Vương quốc giàu dầu mỏ có tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch với Iran ? Cuối cùng là thái độ của Saudi Arabia đối với việc tiếp tục chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực, ở đây là cuộc chiến chống IS.