Quốc tế hóa và vấn đề đặt ra cho giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - GS Nguyễn Trọng Hoài - Trưởng nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục Việt Nam cùng các đồng sự đều chung nhận định: Cơ chế tự chủ và chính sách cho phép các địa phương có mức độ hội nhập và điều kiện kinh tế khác nhau áp dụng chương trình và quốc tế hóa ở những mức độ khác nhau.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cùng đào tạo tại Đại học Trà Vinh
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia cùng đào tạo tại Đại học Trà Vinh

Các trường học và các hiệu trưởng phải có cơ chế riêng giúp họ đạt hiệu quả quản lý tùy từng điều kiện riêng nhằm thúc đẩy quá trình quốc tế hóa theo hướng tiếp cận năng lực phù hợp với bối cảnh thế kỷ 21 và bối cảnh CMCN 4.0.

Đối với giáo dục nghề nghiệp

Khuyến cáo được nhóm nghiên cứu đưa ra đối với giáo dục nghề nghiệp là: Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp và liên thông với các trình độ đào tạo khác nhằm tạo cơ hội và khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia tích cực nhằm nâng cao tỉ lệ lao động có kỹ năng trong bối cảnh CMCN 4.0.

Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nhân lực. Nguồn đầu tư phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy hoạch; tập trung đầu tư hình thành một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhu cầu học tập của người lao động và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.

Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng ven biển; đầu tư đào tạo các nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hoá.

Triển lãm các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội
  • Triển lãm các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội

5 đề xuất cho giáo dục đại học

Chính phủ cần chuyển đổi cơ chế quản lý hệ thống giáo dục đại học từ mô hình Nhà nước điều hành thành mô hình Nhà nước giám sát theo thông lệ quốc tế trên tất cả các khía cạnh gồm tài chính, học thuật, nhân sự và quản trị tổ chức. Đây là nhấn mạnh đặc biệt của GS Nguyễn Trọng Hoài và các cộng sự, nhóm đưa ra 5 đề xuất cho giáo dục đại học:

Thứ nhất, tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc Chính phủ cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ. Nguồn ngân sách tài trợ của Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng đối với các trường đại học, bởi lẽ nguồn ngân sách tài trợ này tạo nền tảng vững chắc để trường đại học chuyển dần sang mô hình tự chủ.

Hiện nay, hệ thống trường đại học tại Việt Nam còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn thu, nguồn thu chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào học phí và lệ phí. Do đó, việc Nhà nước cắt giảm hoàn toàn nguồn ngân sách tài trợ sẽ tạo ra những khó khăn rất lớn cho trường đại học trong việc duy trì quá trình hoạt động ổn định.

Thứ hai, Chính phủ cần có thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công cho trường đại học một cách hợp lý. Hiện nay, hình thức gói tài trợ (block grant) được nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu, châu Úc và châu Á áp dụng.

Việc thiết kế cơ chế chính sách cụ thể để phân bổ nguồn ngân sách công cho trường đại học một cách hợp lý không chỉ tạo động lực để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, mà còn tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các trường đại học trong việc giành được các gói tài trợ từ Chính phủ, và từ cơ chế này hệ thống đại học sẽ phát triển bền vững gắn với các kết quả theo hướng quốc tế hóa.

Nhóm nghiên cứu do GS Nguyễn Trọng Hoài làm Trưởng nhóm đã có những nghiên cứu, thống kê và từ đó đưa ra những đánh giá khách quan. Cách tiếp cận này được nhóm nghiên cứu học hỏi các triết lý giáo dục từ rất nhiều quốc gia, trong đó các quốc gia như Nhật, Singapore, New Zealand,Úc, Malaysia, và Phần Lan là những quốc gia đáng lưu ý. Các quốc gia này có thể bắt đầu quốc tế hóa ở những thời điểm khác nhau của quốc gia, và thông qua những cải cách chương trình khác nhau, mức độ thành công khác nhau, nhưng Việt Nam có thể học hỏi nhằm thay đổi cách tiếp cận GDPT. Quản lý Nhà nước đại học hiệu quả theo kinh nghiệm quốc tế là nên theo đuổi Mô hình Nhà nước giám sát (state-supervised model), điển hình là các quốc gia phát triển ở châu Âu và châu Úc.

Thứ ba, Chính phủ cần nới lỏng các quy định về tài chính cho trường đại học, cho phép hoạt động theo một cơ chế như một doanh nghiệp. Đây là tiền đề để trường đại học có thể vay mượn nguồn tài chính từ thị trường tài chính, hoặc mua bán bất động sản, hoặc sử dụng các bất động sản để thực hiện các kinh doanh dịch vụ gắn với năng lực đào tạo và nghiên cứu nhằm gia tăng nguồn thu phục vụ cho hoạt động.

Thông lệ của một số quốc gia phát triển cho thấy rằng Nhà nước cho phép trường đại học sở hữu các hình thức bất động sản như đất và các tòa nhà, và được toàn quyền quyết định việc mua bán và sử dụng các bất động sản trên theo chiến lược tổng thể của trường gắn với lợi ích chung của quá trình đào tạo và nghiên cứu và phát triển cơ sở vật chất.

Thứ tư, sự kết hợp giữa hành lang chính sách của Chính phủ và nỗ lực của tự thân trường đại học về đa dạng hóa nguồn thu. Chính phủ cần khuyến khích các trường đại học hoạt động trên tinh thần kinh doanh, đồng thời tạo hành lang chính sách thuận lợi để trường đại học tiến tới tự chủ tài chính thông qua hai hoạt động sau.

Thứ nhất, đó là cải thiện các nguồn thu hiện có và quản lý tài chính hiệu quả hơn thể hiện qua việc tối ưu hóa hoạt động thu và chi.

Thứ hai, đó là chủ động tìm kiếm các nguồn thu mới như sự hiến tặng và tài trợ của cựu sinh viên, mua bán bất động sản, vay mượn từ thị trường tài chính và các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Những chính sách trên là cần thiết để giúp trường đại học thực hiện việc đa dạng hóa nguồn thu, hạn chế sự phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và giảm thiểu rủi ro do sự biến động của nhu cầu xã hội đối với giáo dục đại học.

Thứ năm, sự kết hợp giữa hành lang chính sách khuyến khích của Chính phủ với nỗ lực của tự thân hệ thống đại học về các hoạt động cụ thể trong quá trình quốc tế hóa.

Cần có chiến lược quốc tế hóa và nguồn đầu tư tập trung vào các đại học có năng lực và uy tín về nghiên cứu và giảng dạy mang tính lịch sử theo một cơ chế minh bạch về cạnh tranh và trách nhiệm giải trình trực tiếp về kết quả và hiệu quả cho các nghiên cứu công bố quốc tế; Hoàn thiện hệ sinh thái đại học theo hướng đa ngành/đa lĩnh vực bằng nỗ lực bản thân cơ sở đại học và sự hỗ trợ mang tính chiến lược gắn với quản lý mục tiêu quốc gia của Chính phủ để thúc đẩy tích hợp tốt giảng dạy - nghiên cứu - chuyển giao công nghệ và công bố quốc tế;

Có các chính sách tạo động cơ cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về hợp tác với các đại học có năng lực nghiên cứu, huy động học giả khoa học danh tiếng, nhóm nghiên cứu mạnh, chương trình giảng dạy từng bước cập nhật theo ngôn ngữ giao tiếp quốc tế; Và sau cùng, cần tạo ra một khung chỉ số xếp hạng trong nước theo thông lệ quốc tế để có thể định hướng cho các hệ thống đại học Việt Nam từng bước phấn đấu bền vững về nghiên cứu và giảng dạy theo thông lệ thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.