Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên: Cân nhắc tỷ lệ dự phòng

GD&TĐ - Các ĐBQH nhất trí việc ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng cho rằng, việc quy định tỷ lệ cụ thể trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện giảm biên chế, không tăng ngân sách, gắn với yêu cầu xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội

Gồm cả phương tiện kỹ thuật

Nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) cho rằng, quy định đăng kí lực lượng dự bị động viên của dự thảo cần được cân nhắc cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Theo quy định tại Điều 65, Điều 66 Hiến pháp 2013 và Chỉ thị 16 của Trung ương quy định, lực lượng dự bị động viên chỉ là con người. Cùng quan điểm, đại biểu Tống Thanh Bình (đoàn Lai Châu) cho rằng, lực lượng dự bị động viên chỉ nên hiểu là con người. “Đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ nội dung lực lượng dự bị động viên là phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân trong giải thích từ ngữ”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo tờ trình của Chính phủ, sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 Chương, 47 Điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên. 

Không đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) phát biểu tranh luận với đại biểu Nguyễn Phương Tuấn. Theo đại biểu Nguyễn Mai Bộ, trong mối quan hệ giữa Luật Quốc phòng và Luật Lực lượng dự bị động viên thì Luật Quốc phòng là luật quy định chung về quốc phòng, còn Luật Lực lượng dự bị động viên để triển khai tinh thần của Luật Quốc phòng.

Dẫn chứng Điều 19 và Điều 21 của Luật Quốc phòng quy định trong khi tổng động viên và động viên cục bộ thì quân đội, lực lượng thường trực được bổ sung phương tiện kỹ thuật, và khi thiết quân luật thì quân đội quản lý đất nước ở địa bàn thiết quân luật được huy động phương tiện kỹ thuật từ chỗ động viên cùng quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng.

“Từ căn cứ pháp luật này với thực tiễn chiến tranh Việt Nam và thực tiễn việc xử lý một số tình huống trong xã hội vừa qua, mới ở tình trạng của trật tự an toàn xã hội có nguy cơ biến thành tình huống quốc phòng thì việc trong dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên quy định về việc huy động, bổ sung phương tiện kỹ thuật quân sự trong trường hợp cần thiết hoàn toàn có lý, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc chúng ta thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.

Cân nhắc tỷ lệ dự phòng phù hợp

Tại khoản 2, Điều 14 của dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên có quy định “Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% - 15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp”. Nội dung này thu hút nhiều sự quan tâm. ĐBQH Dương Văn Thông (đoàn Bắc Giang) khẳng định: “Tỷ lệ từ 10% - 15% quy định trong dự thảo bảo đảm tính khả thi, thể hiện tính thống nhất, tính cơ động, phù hợp với từng vùng, từng miền về nguồn dự bị động viên trong điều kiện tình hình hiện nay, qua đó kịp thời bổ sung số thiếu khi huy động vào các đơn vị dự bị động viên, được luân phiên huấn luyện theo chỉ tiêu hằng năm”.

Tán thành tỷ lệ dự phòng, ĐBQH Phạm Thành Tâm (đoàn Hậu Giang) nêu rõ: Dự thảo luật xác định tỷ lệ dự phòng 10% - 15% là cần thiết để bảo đảm tính chủ động về nguồn khi huy động theo chỉ tiêu được giao. Phân tích cụ thể, đại biểu cho biết, quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong gia đình, làm việc xa nhà hoặc những lý do đặc biệt khác nên không đủ số lượng khi thực hiện huy động...

Cho rằng việc quy định số lượng dự phòng trong đơn vị dự bị động viên là cần thiết, tuy nhiên, ĐBQH Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) viện dẫn tại Điều 11 của Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên không quy định cụ thể số lượng dự phòng từ 10 - 15% và tại Điều 10 Nghị định số 39 của Chính phủ cũng quy định quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng. Do đó, đại biểu đề nghị: “Cần cân nhắc tỷ lệ dự phòng cho phù hợp trong điều kiện yêu cầu tinh giản biên chế, không tăng ngân sách đồng thời cũng gắn với xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh hiện nay”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về: Phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; quản lý phương tiện kỹ thuật; chế độ, chính sách và chế độ trợ cấp đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu…

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các ĐBQH, đồng giải trình làm rõ một số nội dung. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên từ 10 - 15% là phù hợp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ