Quốc hội thảo luận 2 dự thảo Luật về GD, Phó Thủ tướng chỉ đạo về thi THPTQG

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cả xã hội chung tay vì kỳ thi an toàn, trung thực, khách quan

Chiều 15/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo và giao nhiệm vụ tại "Hội nghị trực tuyến về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018". Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng cho biết, năm nay Thủ tướng Chính phủ không ra văn bản riêng về kỳ thi vì thấy mọi việc đã ổn định và đã có lòng tin vào Bộ GD&ĐT.

Khi kỳ thi được tổ chức khách quan, trung thực thì đương nhiên kết quả của kỳ thi sẽ được các trường ĐH tham khảo để phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Khẳng định sau ba năm, công tác tổ chức thi THPT quốc gia về cơ bản đã tốt, trong một số năm tới, kỳ thi sẽ diễn ra ổn định, tương đối nhẹ nhàng với phụ huynh, học sinh, với xã hội nhưng vẫn đảm bảo trung thực, khách quan và an toàn, theo Phó Thủ tướng, có được điều đó là nhờ sự chung tay không chỉ của ngành Giáo dục mà còn của toàn xã hội.

“Đây không phải chỉ là việc của ngành Giáo dục nên cần huy động các lực lượng công an, lực lượng xã hội, khuyến khích những tấm gương tình nguyện để giúp các cháu có một kỳ thi tốt đẹp” – báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời Phó Thủ tướng.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý, để kỳ thi diễn ra tốt đẹp cần làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp giữa các địa phương và trường ĐH, CĐ; quan tâm tới công tác in sao đề thi; bố trí cán bộ coi thi; cán bộ làm thi phải tuân thủ đúng quy chế… Bộ trưởng cũng lưu ý các trường ĐH thực hiện công tác xét tuyển, trong đó kiểm soát về thí sinh ảo, quán triệt nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chỉ tiêu xét tuyển, chất lượng đầu vào…

Sáng 16/6, thông tin tới các cơ quan báo chí, Bộ GD&ĐT cũng cho biết công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã sẵn sàng, kể từ khâu đề thi, cơ sở vật chất, nhân sự làm công tác thi, công tác phối hợp… Kỳ thi quan trọng này sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 24/6/2018 đến 27/6/2018.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ 

Quốc hội thảo luận 2 dự thảo luật về giáo dục

Chiều 11, 12/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong 2 buổi chiều, với trên 100 ý kiến đăng kí phát biểu, trong đó hàng chục ý kiến phát biểu tại hội trường, nhiều ý kiến tâm huyết về 2 dự thảo Luật đã được các Đại biểu Quốc hội góp ý. Nhìn chung, các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực và trách nhiệm của Chính phủ trong việc nghiên cứu, chuẩn bị dự án Luật; hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội được chuẩn bị đầy đủ và gửi đúng hạn theo quy định…

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, các đại biểu đều đồng thuận với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Giáo dục hiện hành; đồng thời góp ý tập trung vào một số vấn đề như bậc học mầm non; đào tạo, bồi dưỡng và chính sách với nhà giáo; thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm; giáo dục toàn diện học sinh… Đặc biệt, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi tên Luật thành thành Luật Giáo dục năm 2018 bởi phạm vi sửa đổi khá toàn diện lần này.

Trả lời tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết đã chuẩn bị sửa Luật trên tinh thần toàn diện. Nếu được Quốc hội cho phép đổi tên thành “Luật Giáo dục 2018”, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm những nội dung sửa đổi toàn diện, theo hướng đánh giá thực tiễn, đánh giá tác động để có dự thảo tốt nhất trình Quốc hội ở kỳ họp sau…

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, vấn đề được nhiều Đại biểu quan tâm là quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế giải trình của cơ sở giáo dục đại học, về Hội đồng trường, xếp hạng đại học,…

Với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trân trọng tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và cho biết: Dù dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều, bổ sung 02 điều mới, bãi bỏ 01 điều và 01 khoản, bãi bỏ cụm từ tại 05 điều, thay thế cụm từ tại 01 điều, đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật - nhưng thực ra tập trung vào 4 nhóm chính sách chủ chốt, đó là: Tự chủ đại học, quản trị đại học, đổi mới quản lý đào tạo, đổi mới quản lý nhà nước - trên trục trọng tâm là thực hiện tự chủ đại học.

Mặt khác, Luật Giáo dục đại học mới được ban hành từ năm 2012 nên Ban soạn thảo xét thấy, tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là phù hợp.

Nhấn mạnh tự chủ đại học là nội dung trọng tâm của Luật, Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình; tự chủ phải có lộ trình từng bước và tự chủ không có nghĩa là nhà nước không có trách nhiệm về tài chính…

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học tự chủ theo Quyết định 77 với kết quả khá tốt và tiếp tục chuyển sang giai đoạn tự chủ cao hơn là bỏ chủ quản. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường theo cơ chế bỏ chủ quản.

Nhiều địa phương công bố điểm thi vào lớp 10

Tuần qua, nhiều địa phương đồng loạt công bố điểm thi vào lớp 10 THPT chuyên và không chuyên. Trong đó, thông tin được dư luận quan tâm là con số trên 50% thí sinh có điểm môn Toán dưới trung bình.

Theo PLO, đây là năm thứ hai Sở GD&ĐT TP.HCM ra đề toán thi vào lớp 10 mang tính thực tiễn cuộc sống và là năm thứ hai có tỉ lệ thí sinh dưới điểm trung bình môn toán trên 50%. Báo này dẫn lý giải của một giáo viên dạy toán tại trường THCS quận 3: Điểm môn Toán thấp không phải vì đề quá khó mà do học sinh chưa quen với những dạng toán thực tế. Mặt khác, dù mới chỉ triển khai 2 năm nhưng năm nay có đến 5 bài thực tế là quá dài và quá sức với học sinh.

Thầy Trần Nam Dũng, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), đưa lý do trên PLO về hiện tượng này: Hầu hết học sinh vẫn chưa bắt kịp với kiểu ra đề theo hướng đổi mới; học sinh vẫn có xu hướng học tủ nên khi gặp những dạng toán lạ thì sẽ không làm được.

Báo này cũng dẫn ý kiến ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: Năm nay có hơn 50% bài thi môn toán dưới trung bình, tương đương năm ngoái. Có điều năm nay đề toán đưa ra khá nhiều bài toán thực tế và đúng là đề hơi dài… Rút kinh nghiệm, năm học tới các trường cần bổ sung nhiều bài dạng toán thực tế để các em rèn luyện. Và năng lực giải quyết các bài toán thực tế sẽ tiếp tục được Sở chỉ đạo tới các trường trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ