(GD&TĐ) - Sáng nay (25/12), UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (UB VHGD TNTN&NĐ) đã tổ chức phiên giải trình Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về GDMN và đảm bảo chất lượng GD phổ thông. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Đào Trọng Thi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cùng lãnh đạo các bộ, ngành và đại biểu QH công tác trong ngành GD đã tham giam phiên giải trình.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong những năm qua, GDMN đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Đến nay, cả nước có 13.446 trường MN (tăng 470 trường so với năm học trước) với tổng số 156.478 nhóm/lớp trong các cơ sở GDMN. Trường lớp không ngừng được mở rộng nên số trẻ đến lớp ngày càng cao. Hiện tỷ lệ trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường đạt 22,7%, trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 84,4%, riêng trẻ MG 5 tuổi đến trường đạt 98,6%. Một số địa phương có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt trên 40% là Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương…
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, điểm nổi bật nhất của GDMN trong năm vừa qua là việc thực hiện PCGDMN trẻ 5 tuổi. Đây được coi là “cú hích” quan trọng giúp bậc học này phát triển cả về lượng và chất.
Thực hiện đề án trên, các tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi các trường MN bán công sang công lập. Trong năm học 2011-2012, 11 địa phương đã chuyển đổi 1.262 trường MN bán công sang công lập. Nhiều tỉnh, thành chuyển đổi 100% nhưng cũng có địa phương chuyển đổi theo lộ trình.
Cùng với việc chuyển đổi loại hình trường, GV ở những trường trên, có đủ điều kiện cũng dần được tuyển vào biên chế hoặc hợp đồng nhưng hưởng chế độ như GV biên chế. Việc nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đã giúp GV yên tâm công tác, tâm huyết với nghề.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, ở một số nơi vẫn còn tình trạng chênh lệch về thu nhập giữa GVMN trong và ngoài biên chế, thậm chí một số địa phương như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định…, mức thu nhập của GVMN còn thấp hơn mức lương tối thiểu.
Nhiều đại biểu QH công tác trong ngành GD tham gia phiên giải trình. |
Với GDPT, đánh giá về chất lượng chương trình, SGK, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Chương trình được xây dựng dựa trên sự kế thừa và phát huy những ưu điểm cơ bản của các chương trình trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển chương trình với đầy đủ các thành tố cơ bản (mục tiêu GD; chuẩn, phạm vi và cấu trúc nội dung GD; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động GD, đánh giá kết quả GD).
Nội dung SGK đả bảo tính chính xác, khoa học, cập nhật, phù hợp với trình độ chuyên môn của GV; tạo cơ hội để HS tự học thông qua các hoạt động giới thiệu, mục đích bài học, tình huống có vấn đề, trả lời câu hỏi và làm bài tập tại lớp… Đồng thời cũng có nội dung, bài tập nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phân hóa trong dạy học, tạo cơ hội để HS hội nhập với cộng đồng…
Tuy nhiên, đánh giá chung về chất lượng chương trình, SGK phổ thông hiện nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: Chương trình chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ chương trình cấp học đến chương trình từng môn học và không có tổng chủ biên chương trình, SGK môn học từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong một số SGK còn có những thuật ngữ trừu tượng, có những nội dung ôm đồm, nặng nề với phần đông HS, có những sự kiện, số liệu thiếu nhất quán giữa các lớp trong cùng một môn học và giữa một số môn học. Bên cạnh đó, dung lượng một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học… Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, tất cả những khó khăn, vướng mắc và hạn chế trên sẽ được Bộ tháo gỡ dần từ nay đến năm 2015 để hướng đến mục tiêu GD toàn diện cho HS.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng hoan nghênh việc tổ chức phiên giải trình trên. Nội dung phiên giải trình là vấn đề các đại biểu và dư luận quan tâm. Trước những thành quả và hạn chế của ngành GD, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy liên quan đến GD phổ thông, trong đó có SGK; Đổi mới công tác quản lý trong bậc phổ thông; Tăng cường công tác kiểm tra, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý GD; Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành…
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cũng thay mặt UBTVQH tiếp thu ý kiến đề xuất của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng, thẩm định luật liên quan đến nhà giáo, Luật GD, trong đó có GDMN và SGK. Phó Chủ tịch QH cho biết: Tới đây, UBTVQH sẽ triển khai giám sát việc thực hiện chính sách GD phổ thông trên toàn quốc.
M. Ngọc