Quét sạch IS – Syria vẫn “chia năm xẻ bảy”

GD&TĐ - Vòng 8 đàm phán hòa bình Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc mới đây đã không đạt được kết quả nào. Khi mà thế “giằng co” vẫn còn căng thẳng trên “thực địa” thì khó có được bước đột phá đàm phán.  

Quét sạch IS – Syria vẫn “chia năm xẻ bảy”

Hòa đàm bế tắc

Cách đây vài ngày, Nga tuyên bố phiến quân tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) đã bị quét sạch khỏi Syria. Sự hỗ trợ quân sự to lớn của Nga không chỉ giúp chính phủ Syria đánh bật toàn bộ lực lượng IS trên lãnh thổ nước này, mà quan trọng hơn nhiều là giúp chính phủ Syria trụ vững trong những thời điểm tưởng như sắp sụp đổ, để rồi dần dần kiểm soát lại phần lớn lãnh thổ từng rơi vào tầm kiểm soát của phe đối lập.

Có thể nói cục diện trên “thực địa” hiện tại Syria đã thay đổi rất nhiều so với các vòng đàm phán hòa bình trước đây: Khu vực do lực lượng đối lập (được phương Tây hậu thuẫn) kiểm soát đang bị thu hẹp dần trong khi chính phủ Syria kiểm soát gần 90% khu vực dân cư.

Nhìn vào “thực địa” để thấy rằng chính phủ Syria đã không còn lép vế trên bàn đàm phán và đó là cơ sở để chính phủ Syria tuyên bố không tham dự hòa đàm trong trường hợp phe đối lập không đồng ý để Tổng thống Bashar al-Assad giữ bất kì vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp.

Như vậy những cuộc hòa đàm tiếp theo – vốn hướng tới thảo luận một Hiến pháp mới và tổ chức các cuộc bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua – có thể đi vào ngõ cụt nếu lực lượng đối lập khăng khăng loại bỏ Tổng thống Assad khỏi tiến trình chính trị tại Syria.

Còn nguyên hiện diện quân sự nước ngoài

Trong khi hòa đàm vẫn rơi vào bế tắc thì hiện trạng “cát cứ” của nhiều đội quân nước ngoài tại Syria báo hiệu khó khăn to lớn cho một tương lai hoà bình thực sự khi triệt thoái quân sự nước ngoài khỏi quốc gia này.

Hiện có nhiều lực lượng quân sự nước ngoài không giấu giếm kế hoạch tiếp tục đóng quân tại Syria mặc dù “cái cớ chống IS” đã không còn.

Quân đội Mỹ là lực lượng chính hỗ trợ phe đối lập.

Quân đội Mỹ tại Bắc Syria đã có kế hoạch ở lại giúp đào tạo và hỗ trợ lực lượng địa phương – nơi người Kurd nắm quyền kiểm soát - chống lại sự trỗi dậy của IS. Số lính Mỹ tại Syria đã tăng dần. Mặc dù quân số bị hạn chế chính thức là 500 nhưng con số thực tế là hơn 1.500 quân, bao gồm cả đặc nhiệm, thuỷ quân lục chiến… đóng rải rác tại hàng chục căn cứ phía Bắc Syria.

Dù kết thúc cuộc chiến chống IS, giới chức Mỹ công khai khẳng định sẽ duy trì hiện diện quân sự tại phía Bắc Syria để bảo đảm hòa đàm suôn sẻ. Trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Syria cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ không phải là giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.

Lực lượng chính ủng hộ quân chính phủ gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga vừa tuyên bố rút quân đội khỏi Syria nhưng Mỹ bày tỏ nghi ngờ. Cho dù Nga có rút quân thì việc tái triển khai quân đội tại Syria sẽ không mất nhiều thời gian khi có những căn cứ sẵn sàng.

Giới chức Nga khẳng định sẽ vẫn duy trì hiện diện tại cả căn cứ không quân Hemeimeem và căn cứ hậu cần hải quân tại Tartus. Hiện Syria cho phép Nga sử dụng căn cứ Hemeimeem miễn phí vô thời hạn. Moscow cũng kí thỏa thuận với Syria sử dụng căn cứ Tartus trong 49 năm và có thể gia hạn nếu 2 bên đồng thuận. Nga có ý định mở rộng căn cứ Tartus thành căn cứ hải quân cỡ lớn, đón được tàu chiến và tàu tuần dương.

Bên cạnh binh sĩ Nga – một lực lượng đáng kể binh sĩ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria hỗ trợ quân chính phủ cũng chưa có ý định triệt thoái sau khi đánh bật IS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.