Nghi vấn bé 8 tháng tuổi bị bạo hành
Sáng nay (19/12), chúng tôi đã đến bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, nơi bé Nguyễn Hồng P.A đang nằm theo dõi tại khoa Ngoại. Dù nhập viện từ đêm 16/12 nhưng đến thời điểm này, hai má của bé vẫn còn những vết bầm tím xanh và chưa hết sưng.
Chị Lê Thị Duy Huyền – mẹ cháu bé Nguyễn Hồng P.A., 8 tháng tuổi - kể đầy xót xa: “Chiều 16/12, em đến đón con thì đã thấy cô Mai mặc sẵn áo quần ấm, đội mũ len cho bé. Thấy má của bé có vết thâm, chưa kịp hỏi thì cô Mai (bà Lâm Thị Kim Mai - chủ nhà trẻ. PV) phân trần là do trưa nay bé có vệ sinh ra quần, cô để bé nằm trong nôi rồi đi xuống nhà sau giũ quần, lúc lên đã thấy bé quay đầu trong nôi cái nôi sắt, má bị ép vào thành nôi nên có bị hằn, cô đã bôi dầu và chườm đá lạnh rồi.
Em nhìn thấy má con bị bầm tím đã chảy nước mắt rồi nhưng cô trấn an: “Da con nít non nên chườm đá lạnh thì bị đỏ lên rứa thôi, mai là hết thôi mà”.
Chị Huyền bồng con về đến nhà trọ, bỏ mũ ra thì mới thấy vết bầm rất rộng, còn hằn cả dấu mấy ngón tay trên má con, vùng bụng, chân, tay của bé cũng có những vết bầm đỏ: “Em nhìn thấy con rứa là rụng rời chân tay, xỉu luôn, mấy người ở phòng trọ bên cạnh phải sang đưa cả hai mẹ con đi bệnh viện kiểm tra”.
Lúc mới vào viện, P.A nằm ở phòng cấp cứu, sau đó được chuyển qua hồi sức và 2 ngày sau thì chuyển sang nằm theo dõi ở khoa Ngoại. “Đến bây giờ, cháu vẫn bú và ăn kém, nằm ngủ vẫn giật mình rồi khóc tủi” - bà ngoại của P.A cho biết.
Bà Lâm Thị Kim Mai cũng giải thích với PV Báo GD&TĐ là do cháu chỉ có một mình khi bà xuống nhà sau giũ chiếc quần bẩn của cháu nên cứ khóc dúi vào thành nôi mới bị những vết bầm như thế.
Nhưng trước đó, khi làm việc tại UBND phường Hòa Khánh Bắc, ông Phan Lợi - cán bộ Văn hóa, xã hội của phường - cung cấp cho PV rằng khi phường xuống tìm hiểu thì bà Mai kể rằng do bé khóc quá, bà ru nôi hơi mạnh tay nên bị va đập vào nôi.
Giải thích lý do gia đình làm đơn gửi lên công an và UBND phường Hòa Khánh Nam, chị Huyền cho biết: “Lúc đầu, em cũng có nói với cô Mai có gì nói thật để gia đình còn biết mà theo dõi tình hình của cháu, thì cô Mai chỉ nhận là có đánh ở chân. Sau cô có thừa nhận với ba chồng em là có đánh cháu ở má mấy cái, rồi buổi sau lại nói là cháu bị va đập vào nôi.
Cứ lúc chối lúc nhận nên nhà chồng em bực quá mới làm đơn thưa lên chính quyền và công an. Chồng của cô Mai cũng có kể thiệt tình với nhà em là trước khi ngủ trưa, cô Mai cho bé vào nôi nhưng bé đi ngoài ra cả quần, cô đem xuống nhà sau giặt giũ xong, lên ru cho bé ngủ thì lại thấy bé tiếp tục đi ngoài nên cô bực quá mới đánh bé”.
Chiếc nôi được bà Mai cho rằng bé P.A bị va vào gây nên những vết bầm tím |
Nhiều hiểm họa tiềm ẩn
Cả bà Lâm Thị Kim Mai và bà Nguyễn Thị Thái (trú tổ 21B, phường Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) - người giữ trẻ 16 tháng tuổi bị té ngã dẫn đến tử vong vừa qua - đều có nhiều điểm chung: Chưa từng được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng chăm sóc trẻ và đều là điểm giữ trẻ tự phát, có số lượng trẻ dưới 7 cháu, vừa trông giữ con cháu trong nhà vừa nhận giữ thêm vài ba cháu khác để cải thiện thu nhập.
Theo quy định, những điểm giữ trẻ dưới 7 trẻ thì chỉ cần báo cáo lên UBND phường mà không cần làm hồ sơ cấp phép nhưng người trông trẻ buộc phải có nghiệp vụ chăm sóc trẻ.
Như bà Lâm Thị Kim Mai, vừa ở nhà trông con, vừa nhận giữ thêm 2 trẻ, với mức tiền mỗi tháng từ 1-1,2 triệu/tháng. Ngay sau khi xảy ra sự việc với cháu P.A, UBND phường Hòa Khánh Bắc đã yêu cầu bà Mai chấm dứt việc nhận trông trẻ.
Ông Phan Lợi cho biết: “Trong năm nay, chính quyền phường đã phát hiện 4 điểm giữ trẻ tự phát có quy mô dưới 5 trẻ, người giữ trẻ không có nghiệp vụ chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, việc phát hiện những điểm giữ trẻ như thế này ở các khu dân cư là rất khó khăn, chính quyền, tổ dân phố có đi kiểm tra thì họ thường nói đang giữ con, cháu trong nhà nên cũng khó”.
Dù phường Hòa Khánh Bắc có đến 2 trường mầm non công lập, 7 trường tư thục và 27 nhóm trẻ gia đình, nhóm lớp độc lập tư thục được cấp phép nhưng các điểm giữ trẻ tự phát với quy mô dưới 5 cháu là khá nhiều.
Theo lý giải của ông Phan Lợi, do trên địa bàn phường tập trung nhiều công nhân, những điểm giữ trẻ này ngoài việc thu tiền giữ thấp còn có thể kéo dài thời gian trông trẻ đến tối muộn, phù hợp với điều kiện lao động của công nhân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các điểm giữ trẻ tự phát có điều kiện để phát triển rầm rộ cho dù chứa đựng nhiều hiểm hoạ tiểm ẩn.
Một CBQL trường mầm non công lập ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) thừa nhận rằng, không thể kiểm soát hết được các điểm giữ trẻ tự phát có quy mô nhỏ được.
Thường thì những điểm giữ trẻ tự, nhóm trẻ gia đình chủ yếu là lao động nhàn rỗi nên số chủ nhóm và cô nuôi dạy trẻ chưa qua đào tạo sư phạm mầm non là rất lớn.
Thế nên, các bà mẹ phải quệt nước mắt khi biết rằng, đằng sau lưng họ là tiếng con khóc thét, và biết chắc rằng đến cuối giờ chiều đón con trở về, đứa trẻ sẽ đầy ắp tủi hờn mà không biết làm thế nào để hiểu được con bởi các nhóm trẻ gia đình thường trông trẻ chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm chứ không chú trọng đến tâm - sinh lý của trẻ.