Liên quan đến sự việc ông Ma Văn Nhật (54 tuổi, trú tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) phát hiện có chiếc kéo y tế trong bụng để quên từ 18 năm về trước, phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết đã nhận được phản ánh của gia đình , đang cho kiểm tra lại những bác sĩ đã tham gia kíp mổ này. Đồng thời, bệnh viện sẽ họp và kiểm tra lại hồ sơ để có các biện pháp giải quyết.
Theo tin tức trên báo Khám phá, ông Nguyễn Đình Học – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cũng xác nhận thông tin trên và cho biết Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn đã có báo cáo chi tiết về sự việc.
Ông Học cho biết, hiện ưu tiên hàng đầu là làm sao đưa chiếc kéo đó ra khỏi cơ thể người bệnh. Chính vì thế, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn phối hợp cùng với gia đình lên phương án, kế hoạch lấy chiếc kéo đó ra khỏi bụng ông Nhật và đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Còn đối với kíp bác sĩ thực hiện ca mổ cách đây 18 năm về trước, theo người đứng đầu ngành y tế Bắc Kạn thì rất khó để quy trách nhiệm, vì sự việc xảy ra quá lâu, khi đó bệnh viện trang thiết bị còn thiếu thốn, thậm chí những người thực hiện kíp mổ giờ đã không còn hoặc đã nghỉ hưu.
Ca mổ cho ông Nhật năm 1998 là thời điểm mới tách tỉnh, khi đó bệnh viện có rất ít bác sĩ. Vì thế, phương án giải quyết là khắc phục để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh.
Tối 28/12, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết về việc có thể để quên kéo/panh trong ổ bụng bệnh nhân mà dị vật “yên ổn” trong ổ bụng 18 năm hay không, ông Khuê cho rằng ông chưa thấy trường hợp tương tự nào, theo tin tức trên báo Tuổi trẻ.
“Tuy nhiên có những điều tưởng chừng như không thể thực tế lại có thể và ngược lại. Chúng tôi sẽ kiểm tra làm rõ nghi vấn này” - ông Khuê nói. Cũng theo ông Khuê, Bộ Y tế sẽ xác minh, làm rõ kiến nghị của bệnh nhân về việc Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn để quên panh/kéo y tế trong bụng bệnh nhân từ 1998 đến nay.