Chuyển tiền, nhận “trái đắng”
Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, đối tượng lừa đảo là người nước ngoài sẽ làm quen với bị hại trên mạng xã hội facebook. Sau một thời gian nói chuyện thân thiết với bị hại, đối tượng nước ngoài đề nghị tặng cho bị hại những đồ vật có giá trị (tiền, dây chuyền, điện thoại...) qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam.
Tiếp đó, đối tượng người nước ngoài cấu kết với đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan, nhân viên sân bay… gọi điện cho bị hại, thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về cho bị hại đang bị giữ tại sân bay và đề nghị bị hại nộp tiền phí chuyển phát nhanh, tiền thuế… để được nhận hàng. Khi bị hại nộp tiền vào các tài khoản này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt.
Với thủ đoạn như vậy, ngày 12/6/2015, chị Trần Thị H. (SN 1952, Hai Bà Trưng, Hà Nội) trình báo bị lừa đảo với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Cung cấp tin tức tại cơ quan điều tra, chị H. cho biết mình là giáo viên Tiếng Anh đã về hưu, sau quá trình lên mạng thì quen với một nước ngoài. Do muốn nâng cao, trau dồi trình độ Ngoại ngữ nên đã kết bạn và nói chuyện với người này.
Tin bạn trai Tây góp tiền từ thiện, chị Huyền đã bị lừa đảo gần 2 tỷ đồng.
Sau một thời gian nói chuyện, tâm sự, chị H. có chia sẻ với "bạn trai" Tây là mình hay đi từ thiện, giúp đỡ các cháu nhỏ. Nắm được thông tin này, đối tượng người nước ngoài nói với chị H. là muốn ủng hộ một số tiền ngoại tệ lớn cho hoạt động từ thiện. Đồng thời muốn mua nhà cửa ở Việt Nam để sau này về ở và làm từ thiện.
Được biết, đầu tiên đối tượng gửi tặng chị H. một món quà nhưng chị từ chối. Sau đó, đối tượng gửi cho chị một hóa đơn thông báo đã chuyển tiền, nhờ chị giữ hộ số tiền đã chuyển để khi nào sang VN mua nhà, tham quan.
Đúng theo kịch bản, sau đó xuất hiện một đối tượng người Việt Nam gọi điện tự xưng là nhân viên hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và yêu cầu chị H. chuyển tiền vào tài khoản: 421484***0593***, mang tên SIM SOTHOL, mở tại ngân hàng TMCP Á Châu và tài khoản: 05**47685*** mang tên Đỗ Thị Thanh, mở tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tin.
Quá trình nói chuyện, trao đổi thông tin, đối tượng gọi điện cho chị Huyền theo 2 số điện thoại: 01676541***, 01673826***.
Tại cơ quan công an, chị H. chia sẻ, lúc nào chị cũng suy nghĩ, mình đã nộp tiền vào rồi thì nộp tiếp xem có nhận được không. Và rồi, số tiền gần 2 tỷ nộp “không cánh mà bay” sau 12 lần chuyển khoản. Đáng buồn, số tiền này chị H. cho biết đã phải đi vay mượn để nộp.
Chỉ vì thiếu cảnh giác
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, một cán bộ của PC 50 cho biết, thủ đoạn lừa đảo này đang ngày càng phức tạp và tinh vi. Thông thường, đối tượng lừa đảo sẽ xây dựng hình ảnh rất đẹp để “nhử mồi”.
Trong quá trình nói chuyện, đối tượng lừa đảo và nạn nhân trao đổi với nhau bằng tiếng nước ngoài. Một số người có trình độ thì hiểu, một số khác không hiểu thì đối tượng hướng dẫn luôn, nếu có điều gì không hiểu thì vào dịch tự động trên máy tính.
Vị cán bộ này cũng nhận định rằng, đối tượng lừa đảo đánh vào nhiều khía cạnh. Đó là sự mất cảnh giác, tình cảm, thậm chí là lòng tham con người. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp cũng có những người khi cảm thấy cô đơn muốn kết bạn thật nhưng lại gặp phải những gã lưu manh.
“Nạn nhân mất cảnh giác là chính. Một số nạn nhân sau khi kết bạn không tự xem facebook của bạn mới xem nó là ảo hay thật. Ngoài ra còn đưa những hình ảnh tế nhị về bản thân. Có trường hợp lên trình báo, đối tượng vẫn còn đe dọa không chuyển tiền tiếp sẽ đưa những hình ảnh nhạy cảm lên. Lúc đó, chúng tôi cũng chỉ biết hướng dẫn các chị làm sao ứng xử cho khéo, tránh gây kích động đối tượng. Nhưng mục đích chính của chúng là tiền, nên khi không thấy tiền thì chắc cũng chuyển sang đối tượng khác” – vị cán bộ chia sẻ.
Vị cán bộ cho biết thêm, việc này rất tế nhị nên chỉ có một số người mạnh dạn lên cơ quan công an trình báo, còn một số thì ngậm bồ hòn làm ngọt. Thậm chí, có người trình báo rồi xong lại thôi.