Quê nghèo hiếu học cồn Én

Quê nghèo hiếu học cồn Én
Ngôi trường tiểu học ở cồn Én - ấp Tấn Long
Ngôi trường tiểu học ở cồn Én - ấp Tấn Long

Hỏi đến việc học của con em, người dân cồn Én bây giờ rất vô cùng hãnh diện, bởi đây là sự đổi thay 5 năm trở lại ở địa bàn cách trở sông nước, đi lại khó khăn và mọi thứ gần như đều… nhờ bên huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), chủ yếu là học sinh lên cấp 2 và cấp 3. “Cồn Én nghèo tiền, nghèo bạc, chứ việc học ngày nay là không thiếu đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp”. – ông Phan Trung Hậu, Ban công tác Mặt trận ấp Tấn Long nói.

Với 747 hộ (3.598 nhân khẩu), chỉ có 192 héc-ta đất (40 héc-ta đất nuôi trồng thủy sản) tự nhiên và 40 héc-ta vườn; coi như nhà nhà đều làm 6 tháng để dành ăn 6 tháng còn lại, vì mùa nước nổi không có trồng trọt và sản xuất gì được. Vậy mà, người dân cồn Én vẫn nuôi ý chí cho con em đi học, đỗ đạt rồi đi dạy học, làm việc trong và ngoài tỉnh.

Đó là gia đình anh Phạm Văn Thức và chị Lê Thị Hoàng Diệu (tổ 11), nhà không một cục đất chọi chim, quanh năm suốt tháng đi mần mướn, vừa lo ăn và cái mặt, vừa lo cho đứa con gái duy nhất Phạm Thị Quỳnh Như đã học xong Sư phạm Đồng Tháp và hiện về dạy tại Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Năm học 2008, Quỳnh Như tốt nghiệp loại giỏi, được Giáo xứ Cồn Én - ấp Tấn Long tặng bộ máy vi tính; người dân cồn Én rất háo hức, xem đây là tấm gương sáng trong việc học tập, ai cũng cố gắng lo cho con em mình được vinh dự như vậy.

“Có sự hỗ trợ của Nhà nước, rồi giáo xứ giúp đỡ nữa. Chứ tui với ổng lo muốn hụt hơi, mà đâu dám nói cho con biết, sợ nó nản chí”. – chị Diệu kể như muốn khóc, bởi quá đỗi mừng rỡ, hãnh diện với chòm xóm, với bà con trên mãnh đất cồn Én này.

Trở lại thăm gia đình ông Phạm Văn Bồng ở tổ 18, cả nhà nói cười rộn rã, khoe đứa con trai Phạm Tấn Kỳ (tốt nghiệp Đại học An Giang) dạy ở Trường THPT Huỳnh Thị Hưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), còn cô con gái Phạm Thị Mỹ Tiên (đảng viên – tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp) đang công tác tại Đại học An Giang.
“Nói thiệt tình ông thương, hổng có vốn vay cho sinh viên nghèo; chắc hai đứa nhỏ tui bỏ cuộc nửa chừng rồi. Nhà không ruộng nương, mần mướn quanh năm, lo ăn không cũng đuối sức”. – ông Bồng bảo. Ở cồn Én này, ai cũng nói gia đình ông là đặc biệt nhất, phải rồi nhà ở đậu, đầu tắt mặt tối mà lo được cho 2 đứa con vào đại học cùng lúc, là một chuyện hiếm thấy giữa thời buổi hiện nay.

Hèn gì, gia đình ông Bồng không hãnh diện sao được, cật lực lo cho con cái, vì tương lai sau này. Ông Bồng nói, có nhiều gia khác còn khổ hơn, thấy tội nghiệp lắm!

Học sinh cồn Én sang Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) học cấp 2 và cấp 3.
Học sinh cồn Én sang Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) học cấp 2 và cấp 3.

Như gia đình anh Nguyễn Văn Minh và chị Nguyễn Thúy Diễm (tổ 11), có đứa con gái lớn Nguyễn Thị Bé Thảo đang học Đại học Đồng tháp, còn đứa kế Nguyễn Thị Bảo Trân đang học lớp 10 Trường THPT Thanh Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Với chiếc xe đạp, từ 2 – 3 giờ sáng, anh chạy đi bán bánh mì khắp vùng quê bên Thanh Bình.

“Chạy muốn rả cặp giò, kiếm lời khoảng vài chục ngàn đồng. Cực khổ lắm, nhưng cũng phải ráng mần, lo cho con đi chọc mới được, vì nhà đâu có nghề nghiệp gì khác”. – anh Minh bộc bạch. Còn vợ phụ tiếp nấu ăn cho Nhà trẻ Bé Ngoan – cồn Én - ấp Tấn Long, mỗi tháng được 1 triệu đồng. Chị Diễm nói: “Thu nhập của tui với ổng chỉ có bấy nhiêu là hết. May nhờ có Nhà nước cho vay vốn, chớ con tui học cấp 1 và cấp 2 là nhận trợ giúp của Giáo xứ Cồn Én này. Hổng phải con tui, mà nhiều người nghèo khác cũng được”. 

Năm 2008, cồn Én có trên 30 em thi đậu đại học; bước sang năm 2009, có thêm 8 – 10 em nữa; rồi năm 2010 này, tiếp tục có 9 – 12 em thi đậu vào các trường. Tính chung, cồn Én hiện có không dưới 70 em đã và đang học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Bí thư Chi bộ - Phó ban ấp Tấn Long cho hay, cồn Én được như vậy là nhờ từ nhiều nguồn hỗ trợ, giúp đỡ nên con em thi đua học tập, rồi các bậc cha mẹ cũng hăng hái chăm lo đến nơi đến chốn.

Hàng năm, cồn Én có khoảng 60 em vào lớp 6 và phải qua bên thị trấn Thanh Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), con số này tốt nghiệp trung học cơ sở 85% và tốt nghiệp trung học phổ thông cỡ 50%. Giáo xứ Cồn Én hỗ trợ khoảng 60 suất (cấp 2 và cấp 3) cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn và học giỏi, mỗi suất 200.000đ/em/năm học.

Chiếc cầu nồi liền cồn Én với Thanh bình (tỉnh Đồng Tháp)
Chiếc cầu nồi liền cồn Én với Thanh bình (tỉnh Đồng Tháp)

Chị Nguyễn Thị Diệu, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Tấn Long cho biết, 3 năm gần đây, nhiều vị hảo tâm ở TP.HCM đã gởi giúp khoảng 30 suất/năm học, dành cho cấp 2 và cấp 3, từ 760.000đ – 900.000đ/em/năm học, đối tượng chủ yếu là khó khăn và nghèo học giỏi.

“Qua sự hỗ trợ của nhiều nguồn, động viên con em cồn Én học tập ngày càng tốt hơn, rồi trách nhiệm gia đình và xã hội cộng đồng ở đây cũng được nâng cao”. – chị Diệu tâm sự.

Điều đáng mừng, là mối quan hệ giữa trường cấp 2 và cấp 3 bên huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) với ấp Tấn Long (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) rất tốt, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho con em được tiếp tục đi học và học lên cao nữa. Phải nói rằng, vùng quê nghèo, cách trở đường sá nhưng người dân cồn Én hãnh diện lắm, kỳ vọng vào tương lai học tập của con em mình.

Phan Trọng Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.