Các cấp học nơi nào cũng có. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn rất cao. Cả tỉnh đang dấy lên phong trào Đồng khởi mới xây dựng quê hương, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bến Tre là một tỉnh bị tàn phá nặng nề, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu.
Trường lớp bằng bê tông lúc bấy giờ chỉ có ở thị trấn, các xã ở huyện, thị xã nhưng rất ít. Ở các vùng nông thôn rất ít điểm trường, trẻ em phần lớn chỉ học biết chữ hoặc hết cấp 1, khi học cấp 2, cấp 3, phải lên thị trấn huyện hoặc thị xã.
Đường giao thông đi lại khó khăn, mức sống người dân bấy giờ thấp nên trẻ em nghèo rơi rớt dần việc học. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, học hành”, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương xây dựng trường lớp tạm thời bằng vật liệu có được, chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều phòng học bằng cây lá được dựng lên ở xã mới giải phóng, vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, đáp ứng phần nào nhu cầu học tập của con em lao động.
Cái khó khi tiếp quản ngành Giáo dục là lực lượng giáo viên kháng chiến chỉ có gần 300 người, không đủ bố trí các cấp học. Tiểu ban giáo dục của tỉnh kêu gọi giáo viên chế độ cũ nhanh chóng trở lại nhiệm sở.
Tỉnh mở nhiều lớp sinh hoạt chính trị nhằm giúp họ hiểu biết về cách mạng, về chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, về nhiệm vụ của người giáo viên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa; thành lập Hội đồng tuyển dụng giáo viên dưới chế độ Sài Gòn ở 8 huyện, thị xã.
Lần lượt hầu hết giáo viên chế độ cũ đều được tuyển dụng, trừ một số ít là sĩ quan do địch biệt phái vào nhà trường để theo dõi, kìm kẹp giáo viên hướng về cách mạng.
Cạnh đó tỉnh gấp rút đào tạo cấp tốc giáo viên mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa đáp ứng nhu cầu giảng dạy của năm học mới và những năm học tiếp theo.
Đồng thời tỉnh tiếp nhận giáo viên miền Bắc chi viện miền Nam; giáo viên cấp 2, 3 của tỉnh Vĩnh Phúc kết nghĩa, giáo viên cấp 3 là con em Bến Tre tập kết ra Bắc, học tập ở miền Bắc trở về.
Tỉnh đã có một lực lượng giáo viên gần 4.500 người đáp ứng nhu cầu khai giảng năm học mới.
Cái khó của ngành học phổ thông là khâu quản lý, điều hành. Giáo viên chế độ cũ có gần 3.000 người. Giáo viên cách mạng quá mỏng không đủ bố trí khắp các trường.
Bước vào năm học đầu tiên sau giải phóng, các trường đều chưa có ban giám hiệu. Thầy Nguyễn Kiên Cường cán bộ Tiểu ban giáo dục bấy giờ đề xuất thành lập Ban điều hành do giáo viên chế độ cũ đảm trách, cán bộ giáo viên cách mạng rải ra làm cố vấn, lãnh đạo chỉ huy. Mô hình Ban điều hành được tỉnh báo cáo với Bộ Giáo dục, được Bộ nhân rộng khắp cả nước.
Sau giải phóng, số người mù chữ ở Bến Tre có hơn 45.000 người, là vấn đề khó trong điều hành, xây dựng phát triển kinh tế xã hội.
Khắc phục trình trạng này, Tỉnh ủy Bến Tre đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU mở chiến dịch “Đồng khởi diệt dốt” lãnh đạo toàn Đảng toàn quân, dân Bến Tre vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành mục tiêu thanh toán nạn mù chữ trước thời hạn Trung ương quy định.
Thực hiện chỉ thị, ngành Giáo dục kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu thực hiện chỉ thị.
Các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn để thành lập Ban chỉ đạo xóa mù chữ do Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội làm trưởng ban.
Ban chỉ đạo tiến hành điều tra nắm chắc đối tượng trong diện: Nam từ 50 và nữ từ 45 tuổi trở xuống và đối tượng ngoài diện. Ở các xã đều có giáo viên phụ trách xóa mù chữ cho người lớn.
Thầy Phạm Trường Thắng nguyên Phó trưởng ty giáo dục phụ trách xóa mù chữ cho biết: Nhờ quyết tâm của lãnh đạo các địa phương và nhiệt tình của các đoàn thể trong các ban chỉ đạo.
Việc học xóa mù được linh hoạt hóa về giờ giấc học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho các người lớn mù chữ học nhanh đạt kết quả. Do vậy, số người trong độ tuổi xóa mù chữ ra lớp rất đông. Nhưng năm ấy chưa có điện lưới quốc gia nhưng người đến lớp xóa mù với ngọn đèn dầu leo lét rất đông vui.
Với phương thức tổ chức chặt chẽ và sức mạnh tổng hợp như vậy, tinh thần “Đồng khởi diệt dốt” tiếp tục phát huy khí thế Đồng khởi đánh Mỹ năm xưa, trở thành quyết tâm lớn, thành cao trào cách mạng.
Chỉ 50/55 ngày đêm cuối năm 1976, tỉnh đã đạt mục tiêu chiến dịch xóa dốt. Tháng 5/1977, Bến Tre được Bộ giáo dục công nhận đạt mục tiêu xóa mù chữ trước thời hạn. Là tỉnh đứng hạng thứ ba trong 21 tỉnh thành phía Nam. Tỉnh có 44.198 người thoát mù chữ, đạt tỉ lệ 98,06%. Xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách và xã Bình Nguyên, thị xã Bến Tre là hai đơn vị đạt mục tiêu xóa mù chữ sớm nhất của tỉnh.
Năm 1996, Thủ tướng Phan Văn Khải có chuyến công tác Bến Tre, yêu cầu tỉnh báo cáo thực trạng trường lớp. Thầy Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Sở lúc bấy giờ báo cáo rõ tình trạng trường lớp tạm bợ, xuống cấp ở từng địa phương.
Sau hội nghị ấy, cán bộ Văn phòng Chính phủ gặp Giám đốc Sở cho biết: Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính cho Bến Tre mượn tiền xây trường với điều kiện UBND tỉnh bảo lãnh (Lúc này chưa có kinh phí Trung ương cấp xây trường chuẩn quốc gia).
Trường được xây dựng đầu tiên được xây dựng theo chuẩn quốc gia là Trường THCS Mỹ Hóa (phường 7, thị xã Bến Tre) với kinh phí 2,4 tỷ đồng. Ngày khánh thành, Sở mời Huyện ủy, UBND các huyện đến dự, nhìn thấy ngôi trường khang trang xây dựng theo trường chuẩn quốc gia, lãnh đạo huyện nào cũng muốn được xây trường to đẹp như vậy.
Việc xây trường chuẩn quốc gia được tiếp tục lần lượt ở các huyện. Mỗi huyện được đầu tư xây dựng đầu tiên một trường chuẩn. Thiết kế xây trường chuẩn quốc gia do tỉnh duyệt và sử dụng nhiều lần, chi phí giảm đáng kể ở những trường xây dựng tiếp theo.
Lãnh đạo huyện và người dân đâu đâu cũng phấn khởi khi có được trường mới theo thiết kế chuẩn quốc gia. Thầy Nguyễn Thanh Phương, nguyên Giám đốc Sở (1996 - 2001) cho biết: Việc xây trường học cũng dở khóc, dở cười như: Việc đo đạc xây trường THCS An Thới, huyện Mỏ Cày, cán bộ đo đạc như thế nào mà khi cắm cọc diện tích thiết kế trường lấn sang phần đất của dân đến 6 m ngang, buộc huyện phải vận động và mua thêm đất của dân.
Trường hợp ghi sai diện tích này tuy khó giải quyết nhưng không khó bằng xây Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh là diện tích đo đạt ngôi trường lấn sang nhà dân diện tích khá lớn, buộc phải vẽ thiết kế lại theo diện tích đã có.
Từ kinh nghiệm đo sai lệch diện tích ở hai trường trên, Sở yêu cầu địa phương phải có đủ diện tích xây dựng theo thiết kế trường chuẩn, mới cấp kinh phí.
Từ những khó khăn ban đầu, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm có được về xây dựng trường lớp, phổ cập các cấp học, chuẩn hóa giáo viên.
Đến nay cơ bản cơ sở vật chất cho ngành Giáo dục đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tỉnh đã có 173 trường mầm non; 190 trường tiểu học; 132 trường THCS; 32 trường THPT; 1 trường THPT ngoài công lập; 10 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh); 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp tỉnh; 164/164 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 2 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Tỉnh đã có 156 trường đạt chuẩn quốc gia gồm 27 trường MN, 75 trường TH, 45 THCS, 9 THPT. Đội ngũ cán bộ quản lý và tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn ở các cấp học khá cao.
Về chống mù chữ và phổ cập giáo dục, tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia chống mù chữ vào năm 1996, phổ cập giáo dục năm 1997, phổ cập giáo dục tiểu học đúng tuổi vào năm 2005, phổ cập THCS năm 2007.
Năm 2014, thành quả phổ cập giáo dục (PCGD) tiếp tục được duy trì, toàn tỉnh hiện có 158 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện,thành phố đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 100% đơn vị cấp xã và 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1, 99 đơn vị cấp xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS; 99 xã, phường, thị trấn và thành phố Bến Tre đạt chuẩn PCGD trung học.
40 năm một chặng đường dài, đầy gian lao thử thách, Bến Tre đã và đang dấy lên phong trào “Đồng khởi mới” xây dựng quê hương xứ dừa phát triển toàn diện, trong đó giáo dục là quốc sách hàng đầu.