Quấy rối tình dục: Hãy lên tiếng để bảo vệ mình

GD&TĐ - Quấy rối và bạo lực tình dục không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là phái nữ. Những hành vi trên không chỉ xảy ra ở các địa điểm công cộng, đường phố, xe bus mà ngay tại trường học, gia đình, trẻ em gái, người vợ… cũng phải chứng kiến hoặc chịu đựng hành động mình không mong muốn từ người thân - quen trong gia đình.

Quấy rối tình dục: Hãy lên tiếng để bảo vệ mình

Sống trong sợ hãi

Điều tra của các tổ chức cho thấy, xe bus là phương tiện công cộng ẩn chứa nhiều nguy cơ bị quấy rối tình dục với trẻ em gái nhiều nhất. Thùy Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Em thường xuyên đi xe bus đi học. Từ lúc bước lên xe cho tới khi tới điểm xuống là khoảng thời gian vô cùng căng thẳng bởi không chỉ phải đối diện với tình trạng chen lấn, xô đẩy mà còn là trộm cắp, quấy rối tình dục. “Em sợ nhất là quấy rối tình dục, từ hành động vô tình hay cố ý chạm vào tay đến đùi, mông, ngực đều đem lại cho mình cảm giác ghê sợ” - Linh tâm sự.

Quấy rối tình dục cũng là nỗi ám ảnh với Minh Trang (Thanh Xuân, Hà Nội). Theo Trang, hành vi đáng sợ trên không chỉ xảy ra trên xe bus mà ngay tại địa điểm công cộng cũng có kẻ biến thái lợi dụng sự đông đúc để động chạm vào người. Còn trên đường phố, lại có kẻ cố tình khoe của quý hoặc tét vào mông, lưng rồi rồ ga bỏ chạy. Thậm chí ngay tại nơi mình sinh sống cũng có hàng xóm xấu tính luôn rình mò. “Lúc nào em cũng cảm thấy bất an, dù ở nhà hay ra đường” - Trang chia sẻ.

Quấy rối, bạo lực tình dục diễn ra hàng ngày hàng giờ nhưng hiện vẫn chưa có số liệu chính xác về quấy rối và lạm dụng tình dục ở Việt Nam và các số liệu thống kê quốc gia về bạo lực tình dục cũng chưa có. 

Tuy nhiên, số liệu từ các nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy, 87% phụ nữ và trẻ em gái bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; gần 30% gái mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị cưỡng ép tình dục. 10% phụ nữ có chồng đã bị bạo lực tình dục từ chồng của mình. Điển hình như tại An Giang, chỉ tính riêng tại Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em, nếu năm 2014 có 27 trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục thì 9 tháng của năm 2015 đã có 29 trường hợp. 

Điển hình bé gái sinh năm 2000 (Châu Phú) quen một thanh niên mới được 2 tuần thì bị đối tượng này ép quan hệ 2 lần. Không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, em không hề hay biết mình đã mang thai. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thoa (Hoài Đức, Hà Nội) cũng là nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục từ chồng mình. Chị không chỉ bị đánh, chửi mà còn phải phục vụ nhu cầu của chồng mỗi khi say cho dù bản thân cảm thấy sợ…

Hãy lên tiếng

Mặc dù, quấy rối tình dục diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi nhưng không vì thế mà không ra đường. Để bảo vệ mình, Linh đã nghĩ ra cách mặc quần bò, áo chống nắng và đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Trên xe bus, Linh luôn cố gắng tìm cách ngồi gần phụ nữ hoặc phụ xe. Còn Trang lại chọn cách đi đâu cũng rủ bạn bè hoặc nhờ người thân chở đi… cho an toàn.

Có thể nói, những cách làm trên chỉ là tạm thời, chỉ có tác dụng với từng cá nhân chứ không loại trừ được gốc rễ của tình trạng quấy rối tình dục. Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, bạo lực tình dục thường được coi là chủ đề quá nhạy cảm vì xã hội thường có định kiến đối với nạn nhân bị bạo lực tình dục. 

Nạn nhân bị bạo lực tình dục thường bị đổ lỗi là do họ sống buông thả, chính vì vậy, họ đành phải giữ im lặng. Nhiều người cho rằng tán tỉnh, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em gái là một việc bình thường của đàn ông. Do vậy, chúng ta phải thay đổi quan điểm và phá bỏ sự im lặng đồng thời lên tiếng phê phán hành vi này.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Giang (Trung tâm Ánh Sáng), các em, chị hãy mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình với hành động trên. Đó có thể là lời nhắc nhở nhẹ nhàng hay cương quyết để bày tỏ thái độ đồng thời cũng là để thu hút sự chú ý của mọi người để được giải thoát. “Không nên vì xấu hổ, vì ngại mà im lặng trước hành vi xấu bởi như vậy cũng đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận sống chung với nó”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Trong số đó, khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng và 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.