(GD&TĐ) - Một số lớp 11 trường Phổ thông năng khiếu (TP.HCM) đang mê li với những clip phóng sự do giáo viên môn Văn yêu cầu thực hiện. Đây là tiết học thú vị nhất từ trước tới giờ mà các bạn được trải qua.
Một ngày “tác nghiệp”
Mỗi lớp được chia thành các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm thực hiện một phóng sự truyền hình tự chọn. Đối với những học sinh lớp 11, thực hiện một đề tài phóng sự bằng phim là điều không dễ dàng. Thanh Hưng (Lớp 11 Hóa) chia sẻ: “Bọn mình chọn đề tài cách sử dụng tiền của teen ngày nay. Nhóm mình có 4 người, phân công người làm kĩ thuật, người quay phim, viết kịch bản…, công đoạn nào cũng căng thẳng”.
Thế nhưng hình thức học tập mới mẻ này mang lại không ít niềm vui. Như nhóm của Nhã Đoan (Lớp 11A1) đã “gặt” được quá trời niềm vui từ khi bàn bạc đề tài. Nhóm Đoan ban đầu chọn đề tài vẽ tranh nghệ thuật đường phố nhưng sau một hồi lại chọn phát tờ rơi. Đoan kể: “Bọn tớ đạp xe vòng vòng quanh phố tìm người phát tờ rơi để phỏng vấn. Tìm mãi không thấy ai, đến khi thấy, cả bọn mừng như bắt được vàng chạy nhào tới khiến nhân vật hết hồn”. Chưa hết, khi đứng “tác nghiệp” trước một trung tâm thương mại, nhóm còn bị đuổi.
Khó nhưng vui
Cái khó đầu tiên là chọn đề tài, bởi một phóng sự hay phụ thuộc khá nhiều vào độ nóng của đề tài. Nhóm Nhã Đoan ban đầu táo bạo chọn đề tài cướp giật, còn đùa nhau rằng thử lấy máy ảnh của mình làm vật thí nghiệm để có những cảnh quay đẹp mắt. Đương nhiên, đây chỉ là câu nói đùa nhưng đã thấy được sự hào hứng của cả nhóm khi thực hiện.
Những công đoạn tiếp theo là lên kịch bản, quay phim, cắt ghép hình ảnh và kĩ xảo dựng phim cũng không dễ nuốt. Nhóm của Hải An (11A2) thực hiện đề tài về môi trường, thế là cả nhóm kéo nhau đến địa điểm để khảo sát tình hình rồi mới thực hiện. Chỉ có một phân cảnh mà có nhóm phải quay đi quay lại nhiều lần mới đạt yêu cầu. Còn nhóm của Nhã Đoan, cảnh tờ rơi vương vãi trên phố đơn giản là vậy nhưng khi quay, các bạn phải đứng che cho bạn quay phim quay cho đỡ run.
Bài kiểm tra đáng nhớ
Chia sẻ về bài tập cũng là bài kiểm tra độc đáo này, các teen đều có chung cảm nhận thích thú. Thanh Hưng chia sẻ: “Sau bài tập này, nhóm mình có thêm nhiều kĩ năng giao tiếp với người lạ và đặc biệt tình bạn của nhóm chúng tớ càng thêm thắt chặt”.
Không chỉ mang ý nghĩa cá nhân mà bài tập này còn mang lại ý nghĩa nhân văn khá lớn. Chẳng hạn như khi vào “giờ công diễn”, các nhóm lần lượt được theo dõi phần trình bày của các nhóm khác sẽ có những cái nhìn đa dạng về muôn mặt cuộc sống.
Hải An tiếc nuối: “Kết thúc đề tài, nhóm mình cũng còn nhiều cái tiếc, những thiếu sót mình chưa khắc phục được như phong cách, ngôn ngữ phỏng vấn, cắt, dán clip… Mong rằng sẽ còn những cơ hội như thế này để chúng mình hoàn thiện hơn”.
Những giờ học thực tế thế này đã tạo điều kiện cho teen sáng tạo thêm. Đặc biệt, kĩ năng làm việc với nhau để bộc lộ khả năng của từng người cũng được nâng cao. Học vui như vậy, teen mê tiết Văn có gì đâu mà lạ?
Nguyên Dung