Quay cuồng việc nhà bởi vắng ô - sin sau Tết

Sinh bé thứ hai một tháng, con lớn 2,5 tuổi, phải hoàn thành gấp luận văn thạc sĩ, chị Thanh nhận được tin của người giúp việc: "Bà nghỉ hết tháng Giêng nhé".

Quay cuồng việc nhà bởi vắng ô - sin sau Tết

Chị Thanh (Mai Động, Hà Nội) kể, bà giúp việc này đã ở với gia đình chị được gần 3 năm, từ hồi chị sinh bé đầu lòng. Vợ chồng chị khá dễ tính, lại thương hoàn cảnh khó khăn của người làm nên luôn đối xử rất tốt với bà. 

Bố mẹ chị Thanh ở gần đó cũng thi thoảng chạy qua hỗ trợ trông cháu nên người giúp việc không mấy vất vả. Trước khi nghỉ Tết, vợ chồng chị đã biếu bà một khoản lương tháng 13 rồi mua bánh kẹo, quà cho bà mang về quê.

"Lúc về Tết, bà ngỏ ý nói muốn nghỉ tới qua rằm nhưng tôi không đồng ý, bảo bà phải xuống sớm vì tôi một nách hai con nhỏ, lại lo bài vở, sao xoay sở nổi" - Chị Thanh bức xúc kể. 

Theo lời chị, bà ngần ngừ, xong cũng hẹn mùng 6 sẽ ra. Sợ bà không quay lại đúng hẹn, chị còn định giữ lại chút lương nhưng nghĩ thương tình nên lại đưa hết. "Thế mà mấy hôm trước, bà nhắn cho cái tin xin nghỉ tới hết tháng Giêng, tôi gọi điện, nhắn tin lại đều không trả lời"" - Chị Thanh ngán ngẩm thuật lại.

Nếu không phải lo việc hoàn thành luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chị có thể cố gắng thu xếp việc nhà, chăm cho cậu con trai một tháng tuổi, chiều tranh thủ gửi bé cho hàng xóm để đón bé lớn. 

Còn hiện tại, chị không thể thiếu người trông con giúp, ít nhất là vào những lúc phải viết bài, chạy lên trường gặp thầy hướng dẫn, đi thu thập tài liệu... "Bà ngoại dịp này lại bận vì em trai tôi sắp cưới vợ nên tôi chẳng thể nhờ vả ai được hết" - Chị Thanh nói.

Không thể đợi được osin cũ, lại lo có thể bà nghỉ hẳn không quay lại, mấy ngày nay chị Thanh lên Facebook, gọi điện cho bạn bè, người quen nhờ giới thiệu người giúp việc mới nhưng chưa có kết quả. 

tre-nho3-2566-1424937431.jpg

Nhiềugia đình có con nhỏcó nhu cầu cần người giúp việc nhà và chăm sóc em bé khi cả bố và mẹ đều đi làm. Ảnh minh họa:MT.

Vợ bị bệnh, có hai con nhỏ, bản thân mình thì bận nhiều việc, dịp này anh Thái (khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) cũng nhờ khắp các mối để tìm người giúp việc nhưng vẫn chưa được. 

Vợ anh vừa phải mổ u nang buồng trứng, sức khỏe rất yếu cần người chăm sóc, trong khi anh là phó giám đốc một chi nhánh ngân hàng, đang nhiều việc phải giải quyết, không thể nghỉ ở nhà. Chỉ riêng việc xoay sở với chuyện đưa đón hai cô con gái, một 7 tuổi, một 3 tuổi tới trường và lo ăn uống cho các bé đã đủ làm anh hụt hơi. 

"Ông bà nội ở xa, đã già, đầu năm còn bận mấy đám mừng thọ, mừng tân gia..., ông bà ngoại thì đang chăm cô em dâu mới sinh nên chẳng thể nhờ cậy ai cả. Trong khi đó, thời điểm này nhà mình thực sự không thể không có người giúp" - Anh Thái than thở. 

Anh đã liên lạc với một số trung tâm giới thiệu người giúp việc nhưng chỗ nào cũng bảo anh phải đợi vì số gia đình cần người vẫn xếp hàng dài. Một người họ hàng xa cũng đồng ý ra giúp nhà anh nhưng lại hẹn phải ngoài rằm mới có thể đến được. 

Hầu như năm nào cũng vậy, sau Tết nhiều người nông thôn ra thành phố làm nghề giúp việc vẫn muốn lưu lại với gia đình hoặc vui xuân tới hết rằm tháng giêng, thậm chí hơn nữa hay chuyển chỗ làm. 

Tình trạng này khiến không ít gia chủ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, phải tìm cách sắp xếp lại việc nhà, việc cơ quan hay chật vật tìm người mới. 

Chị Bích (Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) cho biết, ngày đầu tiên đi làm lại vào mùng 6 Tết, chị đã dẫn theo cậu con trai 2 tuổi đến cơ quan vì người giúp việc chưa trở lại. Sau đó, vợ chồng chị phải đi ôtô về Vĩnh Phúc - quê bà giúp việc để mời bà lên. 

Người phụ nữ gần 60 tuổi làm osin cho gia đình chị 3 năm còn lưu luyến gia đình, lại có cô con gái từ nước ngoài về sau 3 năm xa cách nên chưa muốn ra Hà Nội. Cuối cùng, vợ chồng chị Bích quyết định để cậu con trai lại quê cho bà chăm. 

"Thằng cu rất quấn bà. Vợ chồng mình cũng tin tưởng người giúp việc, về nhà bà mấy lần nên cũng yên tâm để con ở đó tới hết rằm tháng Giêng thì ra Hà Nội theo bà luôn", chị Bích nói. 

Gia đình chị Thu (Triều Khúc, Hà Nội) thì chọn cách thuê người làm việc nhà theo ngày trong thời gian chờ đợi người giúp việc ở quê ra sau Tết. Nhà chị không có con nhỏ nhưng đông người, phải dọn dẹp 5 tầng, hai ông bà đều lớn tuổi nên không thể thiếu người giúp việc. 

Osin của gia đình chị về quê ăn Tết xin ở qua rằm mới ra nên chị phải nhờ bạn tìm hộ một người giúp việc tạm thời trong thời gian từ nay tới lúc đó, tính công 400.000 đồng mỗi ngày. 

"Trong lúc này thì đành chấp nhận thôi, chứ mình đi làm cả ngày, lại còn lo chúc Tết chỗ này chỗ kia, làm sao kham nổi dọn dẹp nhà cửa, phục vụ cho 3 đứa con và hai ông bà già" - Chị Thu kể. 

Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ người giúp việc nhiều năm nay, anh Lê Viết Hoàng (Công ty Hoàng Dương - Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, cũng như mấy năm trước, lượng khách hàng cần lao động giúp việc gia đình sau Tết năm nay rất đông, không thể đáp ứng hết. 

Mỗi ngày, trung bình công ty anh tiếp nhận 50 - 70 khách hàng có nhu cầu thuê người giúp việc nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 10% số này. "Sau rằm tháng Giêng, lượng cung - cầu về giúp việc mới tạm cân bằng" - Anh Hoàng nói

"Sau Tết, nhiều người giúp việc muốn đổi chỗ làm nên không quay lại, một số khác theo tâm lý ở nông thôn, muốn lưu lại gia đình ít nhất là hết rằm tháng Giêng nên cũng chưa quay lại nhà chủ. Trong khi đó, sau Tết dân công sở phải bắt đầu ngay vào guồng công việc nên không thể nấn ná" - Anh Hoàng nói thêm về lý do gây thiếu người giúp việc sau Tết. 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.