(GD&TĐ) - Trước nguy cơ nhiều chủng cúm khác nhau đang cùng lúc đe dọa sức khỏe của mọi người dân Việt Nam, nhiều người bỗng trở nên “tự kỷ ám thị” tới mức nhìn đâu cũng ra… virus cúm. Bên cạnh đó, lại có một bộ phận hoàn toàn thờ ơ với việc phòng tránh cúm, vẫn vô tư ăn các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân…
Nhìn đâu cũng ra… virus cúm
Trước thông tin virus cúm gia cầm chủng mới A/H7N9 có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ lúc nào, cộng thêm có trường hợp tử vong vì cúm A/H5N1 trong thời gian gần đây, cũng như việc xuất hiện chùm ca bệnh cúm A/H1N1, chị Mai Anh (ngõ 668, đường Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) lo lắng tới mức cấm tiệt hai cậu con trai, một 1,5 tuổi, một 5 tuổi, không được ra ngoài chơi. Cậu con lớn của chị đang đi học mẫu giáo, chị cũng quyết định cho con nghỉ một thời gian để ở nhà cho bà nội trông. Chị cho biết: “Đằng nào con cũng sắp nghỉ hè, nên cho nghỉ sớm một thời gian cũng không sao. Giai đoạn “loạn cúm” này cho bọn trẻ ở nhà là yên tâm nhất”.
Trẻ con còn có thể cho ở nhà được, chứ người lớn thì không thể nghỉ làm trong một thời gian dài. Thế là chị Mai Anh đặt ra quy định nghiêm ngặt: Về đến nhà là người lớn phải thay quần áo, tắm rửa sạch sẽ ngay rồi mới được tiếp xúc với bọn trẻ. Có hôm cậu con nhỏ của chị thấy mẹ về mừng quá, chạy ra định ôm mẹ, bị mẹ gạt phắt đi, nên lăn ra ăn vạ. Báo hại bà nội phải dỗ mãi mới nín.
Mẹ chồng chị Mai Anh cũng bị “cấm túc” theo cháu. Trước đây sáng sáng bà còn dậy sớm xách làn đi chợ. Nhưng nay chị Mai Anh quyết định chỉ hai vợ chồng chị xông pha ra bên ngoài, ba bà cháu cứ ở nhà cho lành. Không biết “lành” đến đâu, chỉ có một điều thấy rõ nhất là ba bà cháu ủ rũ hẳn đi, bà thì thèm nói chuyện, giao lưu với mấy bà hàng xóm, cháu thì thèm ra ngoài nô đùa, chạy nhảy với các bạn trong ngõ.
Nào đã hết, về sinh hoạt là thế, về ăn uống chị Mai Anh cũng rất cẩn thận. Giai đoạn này, đương nhiên là trong thực đơn của gia đình chị không xuất hiện món gà. Ngay cả gói bột ăn dặm “Gà hầm cà rốt” của cậu con trai nhỏ đang dùng dở cũng bị ném vào sọt rác không thương tiếc. Chưa hết, hôm trước dọn tủ thực phẩm, phát hiện mấy gói “Bột chiên gà giòn” Aji-Quick chưa dùng đến, chị Mai Anh cũng vứt luôn. Mẹ chồng chị ngạc nhiên hỏi: “Cái này có liên quan gì đến cúm gà đâu con?” thì chị tặc lưỡi: “Tốt nhất cái gì liên quan đến gà bây giờ cũng bỏ hết mẹ ạ! Không nên tiếc làm gì!”.
Làm thịt gia cầm cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh |
Chị Hải (Nơ 6A, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) không đến mức cực đoan như chị Mai Anh, nhưng nghe ai mách biện pháp chống cúm hiệu quả là chị áp dụng ngay. Dạo này, chị cho tỏi vào hầu hết các món ăn của gia đình. Chồng chị, dù chán ngán với những món ăn đậm đà mùi tỏi vợ nấu nhưng cũng không dám cằn nhằn, chỉ đến khi chị cho tỏi vào bát nước mắm dầm trứng vịt luộc để chấm bắp cải thì anh không kìm nén được phải thốt lên: “Món tỏi của em không biết công dụng chống cúm đến đâu, nhưng hậu quả trước mắt là cả nhà có thể bị ngộ độc nếu ăn món trứng dầm tỏi của em”.
“Sống chết có số”?
Nhân kỳ nghỉ dài, cả gia đình chị Lệ Bình (phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về quê chồng chị ở xã Sơn Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) chơi vài ngày. Trở về Hà Nội, chị Bình mang theo cả bao tải rau củ tươi lên thành phố để ăn dần và làm quà cho mấy cô bạn thân, cũng như không quên kể cho các bạn về sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân quê với cúm gia cầm. Chuyện là, một lần đi chợ quê, trong lúc chờ chị hàng cá làm cho hai con cá chép, chị Bình vô tình chứng kiến cảnh chị bán gia cầm ngồi bên cạnh tay vừa chặt chặt, pha pha con gà, chỉ rửa qua vào xô nước (không rõ sạch hay bẩn), đã vô tư cầm bắp ngô luộc ăn. Chị Bình buột miệng hỏi: “Tay chị vừa làm gà sống, chưa rửa xà phòng mà đã cầm ngô ăn, không sợ bị cúm gà à?” thì chị hàng gà nhìn chị Bình như người từ hành tinh khác đến rồi bảo: “Tớ làm gà, bán gà mười mấy năm ở chợ này rồi, chưa bao giờ rửa tay xà phòng. Mà cũng chưa thấy cúm nào hỏi thăm. Chắc cúm nó sợ tớ cũng nên?! “Sống chết có số” rồi cậu ạ!”
Chuyện tay vừa làm đồ sống đã động vào thức ăn chín hay dao, thớt sống – chín lẫn lộn là chuyện “thường ngày ở huyện” tại nhiều vùng quê. Chị Giang, làm việc tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) kể lại câu chuyện tận mắt chị chứng kiến khi có dịp về ăn cưới một người bà con ở làng nghề Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội): Trong đám cưới hôm đó, toàn bộ dao, thớt vừa dùng để chặt, băm thịt sống (thịt gà và thịt lợn) chỉ được rửa qua bằng ít nước rửa bát rồi ngay sau đó lại được dùng để chặt thịt gà luộc và thái thịt lợn luộc. Những người trước đó vừa “xử lý” chỗ thịt sống của bữa cỗ cưới cũng không ai nghĩ đến chuyện rửa tay bằng xà phòng mà chỉ rửa qua loa bằng nước lã, rồi lại tiếp tục “xử lý” thức ăn đã nấu chín. Chứng kiến cảnh đó xong, cả bữa cỗ chị Giang chỉ ngồi chống đũa và cố nuốt tí xôi cho đỡ đói.
Cảnh giác nhưng chớ hoang mang!
Thời gian gần đây, số người đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để xác định xem mình có bị nhiễm cúm hay không tăng vọt. Đó cũng là sự cẩn trọng cần thiết của người dân khi thấy mình có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm, nhất là các chủng cúm đáng chú ý hiện nay như cúm A/H1N1, A/H5N1...
Có cần xét nghiệm cúm Theo TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, khi có biểu hiện cúm, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác và đến các bệnh viện chuyên khoa để khám và được tư vấn. Bác sĩ sẽ căn cứ vào yếu tố dịch tế, biểu hiện bệnh để quyết định người bệnh có cần xét nghiệm hay không. |
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mặc dù người dân không nên chủ quan trước bất cứ chủng cúm nào, vì chủng nào cũng có nguy cơ tử vong, nhưng cũng không nên quá hoang mang. Hiện nay, chủng cúm A/H1N1 đã được xếp vào chủng cúm mùa, nên trong thời điểm hiện tại, có sự gia tăng của số ca dương tính với virus cúm này cũng là điều bình thường.
Tư vấn về các nguyên tắc phòng chống cúm gia cầm (cúm A/H5N1, cúm A/H7N9), PGS. TS Bùi Khắc Hậu - Đại học Y Hà Nội – cho rằng, người dân cần tránh tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm ốm, chết. Không mua, không ăn các loại gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là gia cầm nhập lậu. Nếu sử dụng các loại thịt gia cầm, thủy cầm thì cần nấu chín kỹ. Các loại dụng cụ dùng giết mổ, chế biến thịt gia cầm cần vệ sinh và sát khuẩn bằng cách rửa xà phòng và luộc nước sôi. Ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm và giết mổ chúng, phải rửa tay sạch bằng xà phòng.
Đặc biệt, một trong những nguyên tắc quan trọng để phòng chống cúm nói chung, cúm đại dịch A/H1N1 và cúm gia cầm nói riêng, đó là cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với những vật bẩn... Đồng thời, cần tránh tiếp xúc với những người có các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Nguyễn Thị Thuận