Quảng Trị: Phá rừng chiếm đất chờ đền bù dự án điện gió (?!)

GD&TĐ - Trong khi vụ phá rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đang điều tra, làm rõ thì có thêm nhiều ha rừng ở Đakrông bị tàn phá...

Một khoảnh rừng tự nhiên bị phát trắng.
Một khoảnh rừng tự nhiên bị phát trắng.

Trên 10 ha rừng tự nhiên bị phát trắng

Cụ thể, tại Tiểu khu 699 và 708 thuộc xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang, lộ ra cả bãi đất trống rộng lớn. Hàng loạt thân cây gỗ có đường kính lớn bị cưa xẻ, chế biến, vận chuyển ra khỏi cửa rừng từ trước. Những cây bé bị đốn hạ còn nguyên trạng nằm xếp chồng lên nhau.

Ước tính có trên 10 ha rừng ở nơi đây đã bị cưa trụi. Hiện chỉ một vài địa điểm bị đốt, nhưng cây rừng còn tươi nên không bị cháy hết. Dấu vết tại hiện trường có thể nhận định việc phá rừng đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được chính quyền và ngành chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông cho biết, trên cơ sở ảnh vệ tinh và nguồn tin, từ ngày 5/4 lực lượng kiểm lâm đã đi kiểm tra và đến ngày 12/4 thì phát hiện vụ phá rừng ở 2 tiểu khu nói trên.

Số cây rừng bị đốn hạ là gỗ thuộc nhóm VII và VIII, diện tích phá rừng lớn, nằm trong diện tích rừng tự nhiên phục hồi. Trong diện tích này, một phần thuộc quản lý của xã Đakrông, một phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Làng Cát và một phần thuộc quản lý của cộng đồng thôn Pa Tầng (đều thuộc xã Đakrông).

Dù các lực lượng đã cố gắng, nhưng ở khu vực này thỉnh thoảng vẫn xảy ra tình trạng phá rừng. Lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển gỗ lậu, nhưng cứ bắt vụ này, lại xảy ra vụ khác.

“Khi phát hiện vụ phá rừng, kiểm lâm đã báo cáo với các đơn vị liên quan, phối hợp với chính quyền xã, lực lượng công an và ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Làng Cát đến hiện trường để kiểm kê, thu thập thông tin, tiến hành điều tra vụ việc”, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông, do khu vực rừng bị phá này nằm cách xa khu dân cư, đường đi rất hiểm trở, thời gian kiểm tra ngắn nên trước mắt đơn vị chưa đo đếm cụ thể diện tích, trữ lượng gỗ rừng bị chặt phá.

Còn theo ông Hồ Thanh – Chủ tịch UBND xã Đakrông - cho rằng, người dân địa phương là đồng bào thiểu số nên vẫn có tập tục phá rừng để làm rẫy hoặc phá rừng để làm nhà.

Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng, tại khu vực rừng bị khai thác trắng nằm giáp ranh với địa bàn xã Húc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nơi mà thời gian tới sẽ triển khai dự án điện gió. Vì thế, người dân đã ồ ạt vào đây đốn hạ trắng cây rừng, chiếm đất để sau này hưởng lợi đền bù từ dự án(?).

Xem xét khởi tố hình sự

Các cây rừng lớn, nhỏ đều bị chặt hạ không thương tiếc.
Các cây rừng lớn, nhỏ đều bị chặt hạ không thương tiếc.

Ngay sau khi vụ việc trên được phát hiện và phản ánh trên báo chí, ngày 19/4, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu UBND huyện Đakrông khẩn trương làm rõ vụ việc, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/4.

Cũng trong ngày 19/4, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi UBND huyện Đakrông, đề nghị nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, tổ chức truy quét để xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng và khai thác lâm sản.

Đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân, xác minh đối tượng vi phạm, khởi tố vụ án hình sự để xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp phá rừng. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng tự nhiên.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ  của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, hiện các đơn vị chức năng liên quan đã kiểm tra, thống kê có 26,28 ha rừng bị xâm hại. Thời gian diễn ra việc chặt phá rừng tự nhiên từ khoảng giữa tháng 3/2022 đến giữa tháng 4/2022.

Ông Lê Đại Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông - cho biết, hiện địa phương đã lập 1 chốt bảo vệ trên đường dẫn vào hiện trường. Trong ngày 21/4, UBND huyện Đakrông đã lập đoàn đi kiểm tra để đánh giá cụ thể, chi tiết về mức độ phá rừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.