Quảng Trị: Có lạm thu đầu năm học?

GD&TĐ - Không chỉ thu thêm ngoài danh mục quy định, việc lạm thu đầu năm học ở một số trường tại Quảng Trị còn có thêm những khoản “trời ơi”, lên đến cả triệu đồng. Nhà trường thì cho rằng đây là chuyện bình thường “hàng chục năm nay” nhưng phụ huynh lại rất bức xúc. Tuy vậy, họ cũng chỉ để trong lòng vì sợ ảnh hưởng đến con em mình.

Một số khoản thu ngoài quy định của Nhà nước ở Trường Mầm non Tân Định, Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị)
Một số khoản thu ngoài quy định của Nhà nước ở Trường Mầm non Tân Định, Cam Thành (Cam Lộ, Quảng Trị)

Muôn kiểu... lạm thu

Trường Mầm non Tân Định, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ thu ngoài những khoản nhà nước quy định, như: Lương cô nuôi: 72.800 đồng/tháng/cháu, tức cả năm là 655.150 đồng/cháu; trực trưa của cô: 62.600 đồng/tháng/cháu, cả năm là: 563.500 đồng/cháu, đồ dùng bán trú cháu mới: 150.000 đồng/cháu, cháu cũ: 100.000 đồng/cháu, đồ dùng học tập của bé, trẻ: 105.000 đồng, cháu lớp nhỡ: 140.000 đồng, cháu lớp lớn: 169.500 đồng; tiền xã hội hóa đồng loạt mỗi cháu: 250.000 đồng, tiền lao động cũng đồng loạt mỗi cháu: 150.000 đồng. Tổng thu dự kiến của cháu lớp bé và trẻ (cháu mới vào học): 2.370.650 đồng, cháu lớp cũ: 2.320.650 đồng, bé lớp nhỡ, cháu mới: 2.405.650 đồng; cháu lớp cũ: 2.355.650 đồng; lớp lớn, cháu cũ: 2.435.150 đồng, cháu lớp cũ: 2.385.150 đồng. Nhà trường cũng lưu ý, đây chưa kể đến khoản đóng quỹ phụ huynh của lớp và của trường.

Lại có trường như Trường TH và THCS Gio Mỹ thuộc huyện Gio Linh, tiền xã hội hóa thu mỗi học sinh 500.000 đồng. Trường Mầm non Tân Lập ở huyện miền núi Hướng Hóa, với lớp 3 - 4 tuổi, phục vụ bán trú, mỗi cháu: 120.000 đồng, cháu mới vào học: 200.000 đồng, quỹ phụ huynh trường: 100.000 đồng, quỹ khuyến học: 50.000 đồng, khám sức khỏe: 40.000 đồng, hỗ trợ xã hội hóa: 150.000 đồng, thuê nhân viên cấp dưỡng: 351.000 đồng; tiền lớp, đồng phục: 90.000 đồng, trang trí: 50.000 đồng, đồ dùng học tập: 116.000 đồng, đồ dùng đồ chơi: 100.000 đồng, dụng cụ vệ sinh: 90.000 đồng, sổ theo dõi sức khỏe: 12.000 đồng, quỹ lớp: 100.000 đồng, ca trưa: 50.000 đồng...

Mười năm nay vẫn thu thế!

Trường Mầm non Tuổi Hoa (phường 3, TP Đông Hà) thu các khoản như xây dựng bán trú: 300.000 đồng, sinh hoạt bán trú: 300.000 đồng, quỹ xã hội hóa: 150.000 đồng, dụng cụ học tập của trẻ: 160.000 đồng, quỹ hội phụ huynh trường: 180.000 đồng, quỹ hội phụ huynh lớp: 200.000 đồng, tổng cộng mỗi cháu phụ huynh phải nộp thêm hơn 1,1 triệu đồng ngoài các khoản nhà nước đã quy định. “Có chi mô... Trường thu các khoản này vì phụ huynh đồng ý, rứa thôi. Mà trường 10 năm nay vẫn thu như thế”, cô Nguyễn Thị Thê - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa điềm nhiên trả lời về các khoản thu ngoài quy định.

“Các khoản thu từ đầu năm học, phụ huynh bức xúc nhưng không dám nói ra vì sợ con mình bị trù dập... Nhiều khoản thu vô lý mà phụ huynh không dám phản đối, chẳng hạn tiền hội phụ huynh trường phải đóng cho mỗi cháu 180.000 đồng, nhưng có làm nên việc gì đâu. Hỏi tiền đó làm gì thì trường nói đưa các cháu đi tham quan. Nhưng từ khi học cho đến khi chuẩn bị lên lớp 1 chỉ đi bảo tàng tỉnh hoặc công viên ngay ở Đông Hà cũng chỉ cách một đoạn đường. Năm nay còn có phụ huynh nộp tiền ký tên vào sổ, còn năm ngoái thì không có hóa đơn. Người dân quá khổ, vì ngoài tiền học còn phải chi tiêu đủ chuyện trên đời. Trong lúc làm ăn thì chật vật, khó khăn”, một phụ huynh đề nghị giấu tên nói.

Thu để làm phòng thay áo dài

Làm việc với phóng viên, Hiệu trưởng Trường THPT Hải Lăng Nguyễn Khoa Xưng cho biết, các khoản thu ngoài quy định của nhà nước gồm: Sổ liên lạc điện tử 40.000 đồng, giấy thi, giấy kiểm tra 70.000 đồng, vệ sinh nước uống: 90.000 đồng, quỹ đoàn 60.000 đồng, quỹ hội phụ huynh trường 100.000 đồng, quỹ khuyến học, học sinh giỏi 80.000 đồng, quỹ xã hội hóa 250.000 đồng... tất cả đã gần 1 triệu đồng chưa kể tiền nộp thêm cho từng lớp. Đáng kể là trường “sáng tạo” thêm hai khoản thu ít có, đó là tiền xây phòng thay áo dài cho nữ sinh, mỗi học sinh 250.000 đồng (gọi là tiền xã hội hóa để chi, trong đó có phòng thay áo dài) và tiền giữ xe học sinh theo văn bản là xe đạp 25.000 đồng/tháng/học sinh, xe đạp điện 50.000 đồng/tháng/học sinh.

Trường có hơn 1.200 học sinh, nếu thu đủ cũng xấp xỉ tiền tỷ. Khi được hỏi mức này có cao không, thầy Hiệu trưởng trả lời: “Đây là theo quy định của tỉnh, cũng đã báo cáo cấp trên. Năm ngoái còn thu cao hơn, xe đạp 60.000 đồng mỗi tháng, xe đạp điện 120.000 đồng/ tháng”. Nếu em nào không nộp tiền gửi xe hoặc không có tiền để nộp thì sao, thầy trả lời thì tùy học sinh, chuyện này để bảo vệ trường làm việc với các em. Đối diện ngay trước cổng trường là nơi nhiều học sinh gửi nhờ xe vào nhà dân vì mức thu của trường quá cao, nhiều gia đình nông dân vùng lúa Hải Lăng không chịu nổi. Còn khi hỏi có cần phải xây phòng thay áo dài không, thầy Hiệu trưởng quả quyết: “Cần chứ, để các em thay áo dài. Chính giáo viên cũng đề nghị vậy mà”.

Tiền thu đầu năm của Trường THCS thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh) cũng khá cao, có nhiều khoản trái quy định. Chẳng hạn đóng quỹ thì có đến 5 loại quỹ, đó là quỹ phụ huynh lớp 100.000 đồng, quỹ phụ huynh trường: 70.000 đồng, quỹ đội 50.000 đồng, quỹ lớp: 100.000 đồng, quỹ học sinh giỏi 100.000 đồng. Cộng các khoản mỗi học sinh nộp khoảng 2,5 triệu đồng, chưa kể những khoản thu phát sinh. Thầy giáo Trần Lương Khoa cũng thừa nhận trường có những sai sót, sơ suất và đã bị kiểm tra, thanh tra. Thầy Khoa nói: “Sau chuyện này, trường cần rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn”.

Có thể thấy, việc lạm thu vẫn diễn ra tràn lan với nhiều “chiêu thức” tinh vi, mà chung quy vẫn là chiêu bài “phụ huynh tự nguyện hoặc đồng thuận”. Để biết mức độ đồng thuận đến đâu có lẽ không quá khó. Chỉ cần tổ chức bỏ phiếu kín trưng cầu ý kiến phụ huynh về đóng góp các khoản ngoài quy định của Nhà nước, sẽ biết chính xác họ đồng ý hay không.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ