Quảng Trị: Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“

GD&TĐ - Việc triển khai mô hình "Thư viện thân thiện và CLB đọc sách trẻ tại thôn" sẽ là một trong những phương án giúp học sinh bậc Tiểu học, Trung học và tất cả người dân có thể tiếp cận được nguồn thông tin đa dạng phong phú trên mọi lĩnh vực...

Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“

Thư viện thân thiện...

Khác hẳn với việc học sinh Tiểu học phải mất thời gian vào thư viện mượn sách, nghiên cứu tài liệu các lĩnh vực thuộc bậc học của mình thì nay nhiều trường trên địa bàn huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị tổ chức mô hình thư viện thân thiện để giúp học sinh có thể tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi khi đến trường...

Cách tổ chức khá độc đáo khi những tài liệu sách vở liên quan được sắp xếp ở mọi không gian trong toàn trường như hàng cây, cầu thang, hành lang của các lớp học. Đơn cử như việc tổ chức "Thư viện thân thiện" tại trường TH Hải Hòa thuộc xã Hải Hòa huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đã tạo nên ấn tượng bởi "thư viện trên cây". Những chiếc giá được gắn cố định trên thân cây. Trên những giá này cũng có rất nhiều loại sách, báo, tạp chí, công thức toán học, sách văn học, tài liệu tham khảo, truyện tranh… được đặt trong những chiếc chai, bên ngoài trang trí bằng những cánh hoa giấy khá bắt mắt.

Không chỉ ở nhà trường, tại các thôn học sinh Tiểu học được tham gia đọc sách theo một mô hình khác khi "Thư viện thân thiện" được đặt tại nhà văn hóa thôn. Ở đây, không chỉ là các em học sinh tất cả mọi lứa tuổi có thể tìm kiếm thông tin qua kho kiến thức bằng sách báo được trang bị từ những dự án, từ việc ủng hộ của các tổ chức, cá nhân bằng chính từ những cuộc vận động tại địa bàn.

Việc tiếp cận thông tin, kiến thức qua sách báo và bất kể ở thời điểm nào thì đó chính là một trong những việc làm hữu ích tạo điều kiện cho trẻ có thêm vốn hiểu biết thế giới xung quanh, từ đó mở rộng các mối quan hệ của trẻ, giáo dục trẻ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và làm được nhiều việc có ích cho xã hội. 

Trên tinh thần tự nguyện, tự giác của các em sẽ khơi dậy sự đam mê yêu sách và ham đọc sách ở trẻ tạo nên cho trẻ một số Kĩ năng sống - Giá trị sống cơ bản. Tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ tại cộng đồng.

Cần nhân rộng mô hình...

Hiện tại, mô hình "Thư viện thân thiện" được triển khai tại 5 xã thuộc huyện Hải Lăng: gồm Trường Tiểu học Hải Trường, Hải Hòa, Hải Dương, Hải Xuân, Hải Quy có sự hỗ trợ của dự án Dự án Giáo dục - chương trình phát triển vùng Hải Lăng thuộc tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới. Có 8 câu lạc bộ đọc sách cũng đã được thực hiện tại 8 địa phương trong huyện này cho thấy một số hiệu quả nhất định trong việc trang bị kiến thức cho học sinh Tiểu học.

Bà Nguyễn Thị Miền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hòa - đánh giá cao mô hình "Thư viện thân thiện và CLB đọc sách trẻ tại thôn" bởi vì thông qua cách này sẽ giúp trẻ có kỹ năng đọc tốt; phát triển lòng yêu sách và ham đọc sách ở trẻ; tạo điều kiện để trẻ có thêm vốn hiểu biết về thế giới xung quanh, từ đó mở rộng các mối quan hệ của trẻ, giáo dục trẻ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và làm được nhiều việc có ích cho xã hội.

Ngoài ra, mô hình này cũng giúp người lớn hiểu về nhu cầu, sở thích của trẻ qua việc tổ chức, hướng dẫn trẻ tham gia có hiệu quả các hoạt động của CLB; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ tại cộng đồng... Việc tương tác kiến thức từ sách vở, từ thực tế không chỉ giúp các tạo nên được những kỷ năng như kể chuyện, diễn thuyết, kỷ năng đọc... được áp dụng tốt trong môn Tiếng Việt. Và thực tế sau việc triển khai mô hình này đã cho thấy tiến bộ rõ rệt của các em học sinh trong nhà trường... bà Miền tâm sự.

Ngay ngày hội đọc sách do nhà trường tổ chức đã quyên góp được một lượng lớn các đầu sách khác nhau tạo nên sự phong phú cho thư viện nhà trường đó là một trong những tính hiệu mừng để nhà trường có thể duy trì hoạt động của "Thư viện thân thiện" này.

Mới đây, tại xã Hải Hòa huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đã có cuộc hội thảo đánh giá hiệu quả của việc tổ chức "Thư viện thân thiện và CLB đọc sách trẻ tại thôn" có sự tham dự của nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Mô hình này được các giáo viên đánh giá cao và nhiều giáo viên ở các huyện miền núi như Hướng Hóa, Đakrông... đều mong muốn mô hình được nhân rộng.

Việc triển khai mô hình ở những vùng khó trước hết sẽ tạo được hiệu quả trong việc tăng cường các loại đầu sách, báo giúp học sinh vùng khó có thể tiếp cận đa dạng thông tin chứ không chỉ hạn hẹp ở kiến thức sách giáo khoa được giảng dạy tại nhà trường...

Mong rằng một ngày không xa, nhiều địa bàn vùng khó khăn tại tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức được mô hình "Thư viện thân thiện và CLB đọc sách trẻ tại thôn" với những sáng tạo hữu ích cho không chỉ là học sinh bậc Tiểu học mà toàn thể người dân ở vùng khó này.

Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“ ảnh 1Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“ ảnh 2Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“ ảnh 3Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“ ảnh 4Quảng Trị:  Cần nhân rộng mô hình “Thư viện thân thiện“ ảnh 5

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ