(GD&TĐ) - Việc ra đời các trường ngoài công lập ở các cấp học đã góp phần quan trọng trong việc xã hội hóa giáo dục. Trong quá trình hoạt động, các trường ngoài công lập đã gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc và cần tập trung giải quyết.
Học sinh Trường THCS-THPT Lê Thánh Tông |
Trường THCS-THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những trường THPT ngoài công lập đang rất khó khăn với vấn đề tuyển sinh. Trường được xây từ năm 2008 với 20 phòng học nhưng đến năm học 2012-2013, trường mới chỉ sử dụng 12 phòng học. Do việc tuyển sinh đầu vào lớp 10 không đạt chỉ tiêu nên dẫn đến số lượng học sinh ngày một giảm (từ 617 học sinh năm học 2007-2008 đến nay chỉ còn 427 học sinh năm học 2012-2013). Thậm chí, thời điểm cuối năm học 2011-2012, trường chỉ còn 391 học sinh, lớp ít nhất chỉ có 29 học sinh.
Được biết, chủ đầu tư của nhà trường là một doanh nghiệp và hiện nay, doanh nghiệp này đang nhiều khó khăn trong việc kinh doanh nên họ không đầu tư nhiều cho trường nữa. Nếu việc kinh doanh của chủ đầu tư tiếp tục gặp khó khăn thì rất có thể ngôi trường sẽ được nhượng lại cho một chủ đầu tư khác. Trước sự khó khăn đó, không ít giáo viên của nhà trường đã rơi vào trạng thái tâm lý lo lắng, bất an vì không biết tương lai sẽ thế nào.
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 21 trường THPT ngoài công lập đang hoạt động (trên tổng số 56 trường THPT, chiếm 37,5%) với tổng số vốn đầu tư cơ sở vật chất ước tính gần 500 tỷ đồng. Trong đó, 2/21 trường đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia (THCS&THPT Trần Nhân Tông; Tiểu học, THCS&THPT Văn Lang). Hàng năm, kết quả thi tốt nghiệp của các trường THPT ngoài công lập cao và ổn định, một số trường đã quan tâm triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất… có tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tuy nhiên hệ thống các trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Quảng Ninh vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn do hệ thống trường ngoài công lập chưa thực sự bắt đúng “mạch” nhu cầu giáo dục của xã hội, chính vì vậy vẫn loay hoay và chưa thực sự chủ động trong việc tuyển sinh, đối tượng tuyển chủ yếu vẫn là học sinh không được tuyển vào các trường công lập. Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: chế độ chính sách đối với giáo viên không thống nhất giữa công lập và ngoài công lập; kinh nghiệm quản lý các hoạt động giáo dục còn ít; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế…
Năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường THPT ngoài công lập hoạt động. Các trường THPT ngoài công lập được quyền tự lựa chọn hình thức tuyển sinh, thậm chí cho vận dụng nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau trong cùng một thời điểm, đồng thời các trường THPT ngoài công lập được thực hiện tuyển sinh sớm hơn và kết thúc muộn hơn so với các trường THPT công lập. Một số trường THPT ngoài công lập khi tuyển học sinh miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa còn được ngân sách Nhà nước cấp bù học phí.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có các chính sách tăng mức hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo, cận nghèo, hỗ trợ lãi suất cho các chủ đầu tư khi vay vốn ngân hàng để hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học. UBND tỉnh cũng giao cho các sở, ngành, địa phương liên quan, trong thời gian sớm nhất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đến từng trường để kiểm tra, rà soát quy mô sử dụng đất, tháo gỡ những vướng mắc về mặt bằng, tạo điều kiện để các chủ đầu tư hoàn thành các hạng mục công trình theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.
Lan Anh