Quảng Ninh: Dân biển “khát” nước ngọt

Quảng Ninh: Dân biển “khát” nước ngọt

Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc gieo đất làm mùa và nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Tiệm cận mực nước chết

Mực nước hồ Yên Lập đang cạn mạnh, tại khu vực đập Khe Liêu (xã Dân Chủ, TP Hạ Long) và đập Nghĩa Lộ (phường Việt Hưng, TP Hạ Long) có nơi trơ đáy làm lộ phân nửa lòng hồ. Nhiều đoạn chỉ sót lại một vài vũng nước nhỏ, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Yên Lập, tính đến ngày 17/5, mực nước hồ Yên Lập đang ở cao trình +16,82m ứng với dung tích 29,2 triệu m3, thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do thời tiết nắng hạn kéo dài, lượng mưa ít và đến muộn hơn mọi năm.

Bà Triệu Thị Hồ, người dân phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên cho hay, mực nước hồ Yên Lập đang cạn kiệt. Nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Bà mua thêm 1 téc nước để dự trữ đồng thời thông tin cho người thân trong gia đình phải tiết kiệm.

Ông Dương Cao Phong - Trưởng phòng Quản lý nước và Kế hoạch cho hay, mực nước hồ Yên Lập ngày 15/7 chỉ đạt 22,95% dung tích thiết kế. Mực nước đã chênh lệch thấp hơn cùng kỳ năm 2019 là 9,57m. Trừ đi dung tích chết của hồ, thì dung tích hữu ích chỉ còn khoảng 19,70 triệu m3. Nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt sẽ xảy ra nếu thời tiết tiếp tục nắng hạn.

Ghi nhận của phóng viên ở khu vực hồ trung tâm, nơi "bụng nước" của hồ, mực nước xuống thấp, tiệm cận đường hạn chế cấp nước. Giữa hồ có nhiều bãi bồi trơ lên phần cát trắng, xung lòng hồ những mô đá lô nhô trắng xóa.

Ông Tô Văn Nam, Trạm phó Trạm trung tâm, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Yên Lập cho biết, tình trạng cạn nước mạnh của hồ Yên Lập diễn ra khoảng 1 tháng trở lại đây. Khu vực thượng lưu đã nhiều nơi khô hạn. Một số đơn vị khai thác phục vụ sinh hoạt phải cắm ống dài hơn 1km mới lấy được nước. Thời gian này đang vào vụ mùa. Mực nước xuống thấp ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng canh tác, thuỷ nông, tưới tiêu của người dân TX Quảng Yên, TP Uông Bí và TP Hạ Long.

Theo ông Dương Cao Phong, để đối phó với tình trạng trên, công ty đã giảm thời gian cấp nước. Ra thông báo cho người dân tiết kiệm, đắp bờ bao trữ nước ruộng đồng. Theo tính toán của công ty, với nhu cầu sử dụng nước hiện tại, trung bình một đợt mở nước hồ phục vụ sản xuất là 7 - 8 ngày. Lưu lượng mở trung bình 6m3/s đến 7,5m3/s, tổng lượng nước mở một đợt khoảng 4 triệu m3. Vì vậy, với dung tích hữu ích còn lại của hồ là 19,70 triệu m3 chỉ đủ phục vụ trong 4 đợt mở nước nữa. Đến cuối tháng 8, nếu thời tiết không mưa thì sẽ xuống dưới mực nước chết. Khi đó không thể phục vụ được sản xuất của người dân.

Quảng Ninh: Dân biển “khát” nước ngọt ảnh 1
Nước hồ cạn, nhiều mỏm đất lô nhô trơ trụi.

Hàng nghìn ha canh tác trước nguy cơ khô hạn

Hồ nước ngọt Yên Lập là công trình cấp II. Đây cũng là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Quảng Ninh. Hồ có dung tích 127 triệu m3 được đưa vào hoạt động từ năm 1982. Hồ phục vụ tưới tiêu cho khu vực thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí, TP Hạ Long với tổng diện tích tưới theo thiết kế là 8.320 ha chủ yếu tại khu vực thị xã Quảng Yên. Hồ phục vụ cấp nước sinh hoạt và dân sinh theo thiết kế là 33 triệu m3/năm và phục vụ nuôi trồng thủy sản là 1.600 ha.

Để ứng phó với hạn hán phía Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Yên Lập tiến hành điều tiết nước đáp ứng nhu cầu vụ mùa cho hàng trăm nghìn hộ dân các khu vực. Tuy nhiên, hàng nghìn ha đất nông nghiệp đang "khát nước" và đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vào vụ lúa mùa.

Theo chia sẻ của người dân xã Tiền An, thị xã Quảng Yên, vụ gieo cấy lúa mùa đã bắt đầu cách đây hơn chục ngày. Nhưng hiện nay, hàng trăm ha ruộng cấy lúa của dân không có nước. Không thể canh tác, người dân lo lắng trước nguy cơ thất thu vụ mùa.

Để tiết kiệm nước, phía Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Yên Lập đã họp bàn với chính quyền các địa phương, các công ty khai thác nước cảnh báo tuyên truyền với người dân về tình trạng hạn hán, nguy cơ thiếu nước ngọt từ hồ chứa Yên Lập. Đồng thời kêu gọi các đơn vị tích cực nạo vét, phát cây, dọn cỏ thông thoáng kênh mương, khai thông dòng chảy, sử dụng nước tiết kiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ