Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển

GD&TĐ - Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển, phấn đấu là địa phương làm giàu từ biển; theo đó, có giải pháp để hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề cho ngư dân, phát triển nhanh cả về số lượng và công suất tàu cá để ngư dân ra khơi bám biển, cải thiện và nâng cao đời sống, cùng các lực lượng chức năng gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nghiên cứu khả năng phát triển ngành đóng tàu.

Quảng Nam tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển

Đó là ý kiến chỉ đạo trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Cũng trong thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, mùa vụ phù hợp; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao; nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tại các hồ thủy điện gắn với đảm bảo môi trường.

Đồng thời chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động. Chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, dịch bệnh.

Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án đầu tư; ưu tiên vốn cho các công trình trọng điểm, dự án có khả năng sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp cụ thể khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh số lượng, quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ; thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ theo hướng bền vững; phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng các điểm du lịch như: phố cổ Hội An, đảo Cù Lao Chàm, Thánh địa Mỹ Sơn, các làng nghề truyền thống, bãi tắm biển Cửa Đại, Hà My...

Tỉnh Quảng Nam cũng cần chăm lo các lĩnh vực văn hoá - xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo. Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, chú trọng thực hiện chính sách người có công, bảo trợ xã hội, chăm lo các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng thành quả phát triển; chú ý khu vực đồng bào miền núi, khu vực khó khăn ở phía Tây của tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6%; thu ngân sách tăng 20%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,4%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 13%, số lượng khách du lịch tăng 23% so với cùng kỳ.

Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai với nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dồn điền đổi thửa, mở rộng quy mô, thúc đẩy hợp tác liên kết, cơ giới hóa; đến nay đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn gần 7% bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: trong đó nông nghiệp chiếm 16%, công nghiệp xây dựng chiếm 42%, dịch vụ chiếm 42%.

Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chính sách người có công tiếp tục được quan tâm; chú trọng và làm tốt công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết việc làm mới tăng gần 6% so với cùng kỳ; tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 12,9%.

Tuy nhiên, cơ cấu lao động của tỉnh Quảng Nam chuyển dịch chậm, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản còn có hạn chế; xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn; tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông đường sắt còn cao; tệ nạn ma túy phức tạp.

Theo Văn phòng Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ