Tỉnh Quảng Nam hiện có 162 chiếc cầu treo tập trung ở chín huyện miền núi, trong đó có 63 cầu tạm do người dân tự xây dựng, không có bản vẽ thiết kế và đang xuống cấp nặng nhưng không được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Riêng 99 cầu treo xây dựng kiên cố thì đã có đến 56 cầu xuống cấp. Đặc biệt tại huyện Nam Trà My có 83 cầu treo thì có đến 60 cầu tạm, 20 cầu kiên cố nhưng đều đã hư hỏng. Huyện Đông Giang có 18 cây cầu treo thì có đến 17 cầu đã xuống cấp nhưng chưa được duy tu, sửa chữa.
Phần lớn cầu treo ở Quảng Nam được bắc qua sông, qua suối để nối với khu dân cư với nhau hoặc trên đường đi làm rẫy của đồng bào nên hằng ngày có nhiều người tham gia giao thông.
Sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng lắp đặt biển báo quy định tải trọng, lưu lượng người và phương tiện được phép qua lại trên tất cả các cây cầu treo hiện đang sử dụng.
Tại những nơi có nhiều đồng bào dân tộc phải có bảng hướng dẫn bằng tiếng dân tộc treo ở hai bên đầu cầu để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra. Với những cây cầu hư hỏng nặng, tuyệt đối nghiêm cấm người dân qua lại, nhất là các em học sinh.
Đặc biệt đối với những cầu treo xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sửa chữa, đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu các địa phương kiên quyết tháo dỡ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Do địa hình chi phối nên cầu treo không thể thiếu trong giao thông ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, nhiều cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy hiểm trong việc đi lại của người dân.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần ưu tiên bố trí vốn để các địa phương sửa chữa lại hệ thống cầu treo nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người và phương tiện tham gia giao thông.