Nhiều mẫu thực phẩm chức năng (TPCN) được kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) có kết quả như vậy
Chỉ tiêu nào cũng không đạt
Trong số 18 mẫu TPCN được Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gửi đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quốc gia để kiểm nghiệm chất lượng cho thấy có nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm.
Trong số này có 8 mẫu hoàn tất kiểm nghiệm và có tới 7/8 mẫu không đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng. Cụ thể, theo ông Vương Trí Dũng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội (đơn vị gửi mẫu kiểm nghiệm) cho biết:
Mẫu TPCN Complebiol 4 Joints loại hộp 30 viên, số lô 31460, ngày sản xuất: Không có, HSD: 12/2016 (do Công ty Cổ phần Thế giới khoa học và tự nhiên ở TPHCM nhập khẩu, phân phối).
Kết quả kiểm nghiệm của Viện ATVSTP Quốc gia cho thấy: Hàm lượng glucosamin chỉ đạt 156,6 mg/viên (đạt trên 60% so với công bố).
Hàm lượng vitamin D3 nhà nhập khẩu công bố 950 UV/viên nhưng thực tế kiểm nghiệm chỉ đạt 6,0 UV/viên, thấp hơn 150 lần so với hàm lượng công bố.
Trước thực trạng này, Chi cục QLTT Hà Nội đã có công văn gửi đồng chí Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM thông báo thông tin về hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.
Trong văn bản do ông Vương Trí Dũng ký, Chi cục QLTT Hà Nội ghi rõ: “Qua thông tin của Cục ATTP - Bộ Y tế về việc trên thị trường xuất hiện một số TPCN kém chất lượng Chi cục QLTT Hà Nội đã lấy một số mẫu để giám định chất lượng.
Qua giám định, bước đầu phát hiện các sản phẩm TPCN Complebiol 4 Joints và TPCN GENKI 9 King’s Secrets không đạt chỉ tiêu về các hoạt chất chính (có dấu hiệu là hàng giả về chất lượng)”.
Cũng trong văn bản này, Chi cục QLTT Hà Nội nhấn mạnh do Công ty Cổ phần Thế giới khoa học và tự nhiên ở TPHCM nên đề nghị Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả về Chi cục QLTT Hà Nội.
Vi phạm về quảng cáo TPCN là phổ biến
PGS.TS Phạm Xuân Đà - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho biết: Không chỉ phát hiện các sản phẩm TPCN kém chất lượng mà kết quả kiểm nghiệm cũng phát hiện một số sản phẩm được hỗ trợ sinh lý nam giới lại chứa thành phẩm sildenafil. Đây là dược chất dùng để điều trị chứng bất lực ở nam giới và là một thành phần có trong các loại dược phẩm như viagra.
Theo ông Vương Trí Dũng, kết quả kiểm nghiệm này cho thấy tỉ lệ sai phạm về chất lượng TPCN rất cao, nhất là khi sản phẩm được công bố nhập từ Nhật Bản, Mỹ.
Những mẫu sản phẩm này được chúng tôi chọn rất ngẫu nhiên trong các nhóm sản phẩm vừa bị Cục ATTP - Bộ Y tế xử phạt hành chính do sai phạm về quảng cáo trước đó.
Ông Dũng cũng cho biết, tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ mở rộng việc lấy mẫu đối với các sản phẩm TPCN trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm giảm béo, tăng cường sinh lý và điều trị các bệnh mạn tính.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh: Gần đây, Cục đã xử phạt nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, khiến nhiều người tưởng nhầm đó là “thần dược” có khả năng chữa bệnh.
Đây cũng là sai phạm phổ biến nhất đối với nhóm mặt hàng TPCN. Theo quy định những cụm từ “tối ưu”, “tốt nhất”, “hiệu quả nhất” không được phép xuất hiện trong quảng cáo... vì dễ gây hiểu nhầm về công dụng của TPCN.
Thế nhưng trên thực tế mỗi khi đi kiểm tra, cơ quan chức năng không ít lần phải “giật mình” vì những câu quảng cáo phóng đại của một số sản phẩm TPCN.
Thống kê từ Thanh tra Cục ATTP cho thấy, từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 27 trường hợp bị xử phạt vì quảng cáo quá mức, quảng cáo không phép, vi phạm về chất lượng TPCN, tổng tiền xử phạt hành chính lên tới trên 500 triệu đồng.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục thu giữ các sản phẩm có dấu hiệu kém chất lượng, tiếp tục làm rõ về chất lượng sản phẩm, vi phạm nhãn mác...