Đinh Xon năm nay cũng đã hơn 60 tuổi, là người đàn ông uy tín của cộng đồng Ma Coong trú tại xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tâm sự cho chúng tôi biết về nguồn gốc của lễ hội đập trống Ma Coong.
Ngày ấy, vào khoảng giữa cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, vì chạy giặc có hai gia đình đã lưu lạc đến vùng đất này. Cuộc sống ở đất mới này có nhiều bất an nên trong một đêm, người đàn ông của gia đình đã nằm mơ rằng phải cúng thần linh của núi rừng với những lễ vật là của ngon vật lạ của núi rừng lúc đó gia đình sẻ mãi mãi yên ấm ở vùng đất này.
Mang giấc mơ này ra kể với mọi người trong nhà, và để cầu mong sự bình yên, gia đình đó đã làm lễ tế cúng thần linh và kể từ đó vào ngày 16 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, những người Ma Coong đã cùng nhau góp của ngon vật lạ vào để cúng tế thần linh.
Cứ thế hết mùa trăng mới này đến mùa trăng mới khác, để nhớ công lao vị Già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho quanh bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên Thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở.
Hoạt động ấy dần dần thành một lễ hội lớn của dân tộc người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.
Đêm cúng thần linh của người Ma Coong đã ăn sâu vào máu thịt của bà con dân bản nơi đây, cả ngày 16 tháng Giêng, dân bản Cà Roòng ai cũng bận rộn vì tối này là trung tâm của lễ hội đập trống. Đàn ông thì lo phần chuẩn bị hội, còn đàn bà thì chuẩn bị thức ăn để tiếp đón bà con từ các bản khác đến.
Khi mặt trời khuất bà con 18 bản men theo những con đường mòn về đây dâng lễ, già làng bước vào lễ tế cúng trời đất, cúng Giàng mặt trời mọc, cúng Giàng mặt trời lặn mong sao năm nay mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, tất cả mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm…
Khi phần lễ kết thúc, là lúc tiếng trống hội mở màn vang lên. Mọi người bắt đầu tụm lại với những ché rượu cần, rượu hiên. Những thanh niên khỏe mạnh giành nhau dùi và trổ tài đánh trống mạnh, đánh trống nhanh.
Những người không tham gia đánh trống thì cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.
Trống phải đánh cho kỳ thủng trước khi trời sáng mới thôi, trời đất mới chứng giám cho lòng thành của mọi người, trong năm mới mới được mùa màng. Vừa đánh trống, lũ thanh niên vừa kêu vang rừng: “Roa lữ Giàng ơi!” (sướng quá, vui quá trời ơi)…
Người Ma Coong vừa uống rượu, đánh trống vừa hát bên chiếc trống cho đến khi mặt trống bị đánh vỡ ra. Và lúc này, những nam thanh nữ tú không kể là lạ hay quen, người của bản này hay bản kia họ có ý tứ với nhau đều dắt tay nhau vào rừng chuyện trò tâm sự.
Cũng từ đây, không biết bao nhiêu đôi đã nên vợ nên chồng và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cùng nhau ở giữa đại ngàn Trường sơn hùng vĩ này
Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu. Một đêm không có ghen tuông , không có giận hờn, chỉ có yêu thương nồng nàn của đam mê, của men nồng đôi lứa…cho đến sáng mai, khi đống lửa dần tàn, mặt trời dần nhô lên bên kia ngọn núi, cũng là lúc lễ hội Đập Trống của người Ma Coong kết thúc.