Quảng Bình: Tập trung lực lượng xử lý môi trường ven biển

GD&TĐ - Ngày 22/4, ông Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - trực tiếp chỉ đạo các địa phương, các đơn vị liên quan tập trung lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường và vận động người dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân… 

Đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo xử lý môi trường ven biển nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển
Đoàn công tác của tỉnh Quảng Bình tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo xử lý môi trường ven biển nơi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho đến thời điểm này (22/4) vẫn tiếp tục phát hiện cá chết rải rác tại các lồng nuôi nhốt gần cửa sông. Tuy lượng cá chết trôi dạt vào các bờ biển giảm nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng này.

Hiện tượng cá ven biển Quảng Bình chết trôi dạt vào bờ xuất hiện từ ngày 10 - 16/4/2016, tại bờ biển xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch xuất hiện hiện tượng cá biển tự nhiên chết, sau đó tiếp tục lan rộng xuống phía Nam đến các xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. 

Đặc biệt, ngày 14/4/2016, số lượng cá chết nhiều, trôi dạt vào bờ biển, chủ yếu là các loại cá ven bờ sống ở tầng đáy như cá phèn, cá đục, cá liệt, cá hanh, cá 3 sọc… Ngoài ra, trong đêm 13 và sáng ngày 14/4/2016, một số nhà hàng nổi trên khu vực sông Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới có hiện tượng cá chết tại lồng nuôi. 

Ngay sau khi nhận được thông tin này các đơn vị chức năng thuộc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành xuống cơ sở, nắm tình hình thu mẫu nước và mẫu cá để phân tích và tìm hiểu nguyên nhân. 

Qua kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá bước đầu kết luận hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn, virut mà do nguồn nước bị ô nhiễm. Kết quả này cũng phù hợp với kết luận của Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I đã kết luận ở tỉnh Hà Tĩnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị liên quan khác khẩn trương xét nghiệm nước, tìm ra nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên đến thời điểm này thì hiện tương cá chết trôi dạt vào bờ biển vẫn xảy ra. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng cũng chỉ đạo các huyện ven biển thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo người nuôi trồng thủy sản chấp hành khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các yếu tố môi trường, lấy nguồn nước vào ao nuôi.

Trong thời gian chờ cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân chính thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn khẩn trương tổ chức lực lượng thu gom, tiêu hủy tránh làm ô nhiễm môi trường và vận động người dân không thu gom cá chết về làm thực phẩm, bán hoặc làm mắm muối ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân…

Theo ghi nhận của PV, trong nhiều ngày qua, UBND các huyện ven biển như Quảng Trạch, Thị xã Ba Đồn, Bố Trạch, Thành phố Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy lực lượng đoàn viên thanh niên của các huyện này đã trực tiếp đến thu gom xác cá chết đem chôn theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Hiện tại, các địa bàn người dân đã được chính quyền các cấp tuyên truyền về những mối nguy hại do hiện tượng cá chết xảy ra đồng thời vận động bà con chủ động thu gom xác cá chết. Không sử dụng cá chết làm thức ăn hay chế biến thức ăn cho động vật nuôi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.