Quảng Bình: Lập chuyên án triệt phá “tín dụng đen”

GD&TĐ - Trước hoạt động “tín dụng đen” gây nhức nhối, Công an tỉnh đã lập chuyên án, triệu tập 43 đối tượng, khám xét các tụ điểm, bắt giữ, triệt xoá nhiều ổ nhóm cho vay nặng lãi.

Lực lượng Công an Quảng Bình thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với đối tượng trong đường dây “tính dụng đen” tại TP Đồng Hới
Lực lượng Công an Quảng Bình thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với đối tượng trong đường dây “tính dụng đen” tại TP Đồng Hới

Cứ 6 giờ chiều con nợ phải tới gặp chủ

Tín dụng đen” trên địa bàn TP Đồng Hới cấu kết, móc nối với những người có nhu cầu thông qua giới thiệu, tờ rơi, thủ tục đơn giản... Đó là những người đang khó khăn về kinh tế, không có khả năng vay tại các ngân hàng hoặc cần một khoản tiền nhỏ cấp thiết cho bản thân.

Chị L.T.N là một nạn nhân của nhóm hoạt động tín dụng đen tại TP Đồng Hới kể lại: Thấy lời quảng cáo qua tờ rơi: Hỗ trợ vốn kinh doanh với hình thức tín chấp, và đang gặp khó khăn trong làm ăn, nên chị đã liên hệ và vay 10 triệu đồng từ các đối tượng này. Sau thời gian “trả đúng, trả đủ”, việc làm ăn gặp khó khăn, việc thanh toán bị chậm trễ các đối tượng nhắn tin, gọi điện đe dọa khủng bố tinh thần và thậm chí là kéo đến nhà để gây sức ép trả nợ.

Các đối tượng trong đường dây “tín dụng đen” khi thấy con nợ không có khả năng, một số đối tượng khác gợi ý vay tiền của người này để trả cho người kia. Chúng đưa con nợ vào vòng luẩn quẩn, thậm chí hết khả năng chi trả vì lãi suất cao và số nợ lên tới hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng....

Chị L.T.N cho biết: Chị vay 10 triệu đồng nhưng các đối tượng trừ phí 1 triệu đồng ngay lúc nhận tiền và lúc trả tiền là thu thêm 1 triệu nữa. Cần 10 triệu nhưng chỉ vay được thực chất có 8 triệu. Trong 10 triệu đó đến lúc thanh toán hết thì tiền lãi phải hơn 3,5 triệu đồng.

Đặng Văn Hiệp chuyên cho vay “tín dụng đen” khai nhận thủ đoạn tại cơ quan điều tra. Theo đó, khi làm “tín dụng đen”, những khách hàng nào mà cần thì đến cửa hàng để được tư vấn. Nếu khách đồng ý thì đường dây cho vay với hình thức 10 triệu đóng 300 nghìn một ngày.

Cứ 6 giờ chiều phải có mặt để đóng tiền cho chủ nợ. Thủ tục vay chỉ yêu cầu chứng minh, hộ khẩu. “Bọn em cho vay trả góp, với hình thức là góp hằng ngày, 10 triệu thì có 2 mức, với 200 nghìn một ngày trong vòng 60 mươi ngày; 3 trăm nghìn một ngày trong vòng 40 ngày”, Hiệp nói.

Lúng túng trong tiệt phá “tín dụng đen”

Thượng tá Hoàng Đăng Khoa - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Để qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng “tín dụng đen” hoạt động ngày càng tinh vi với những thủ đoạn tạo các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính.

Các đối tượng chủ động tìm đến những người có nhu cầu vay vốn thông qua quảng cáo trên tờ rơi tiếp thị, qua mạng xã hội, gửi tin nhắn bằng sim rác... Chúng chỉ cần có chứng minh thư nhân dân hoặc sổ hộ khẩu photo là tiền đến tay người vay…

Theo Công an Quảng Bình, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 44 nhóm với hơn 277 đối trượng. Trong đó có hơn 10 nhóm với gần 60 đối tượng, chủ yếu là người ngoại tỉnh đến Quảng Bình thuê nhà trọ để hoạt động cho vay lãi nặng.

Khi con nợ chưa có tiền để trả theo cam kết, các đối tượng thường nhắn tin, gọi điện để “khủng bố” tin thần hoặc đe dọa. Thậm chí chúng cùng với các đối tượng mang tiền án, tiền sự, đối tượng “xăm trổ” ngoài xã hội kéo tới nhà con nợ để gây sức ép.

Chúng thực hiện các hành vi như siết nợ, đe dọa, ném chất bẩn, chất thải vào nhà. Thậm chí, hành hung con nợ để đòi tiền và buộc con nợ phải chịu lãi suất “cắt cổ”, có thể lên tới hơn 360%/năm. Đồng bọn của chúng sẵn sàng bơm tiền để con nợ vay người sau, trả lãi cho người trước. Cứ thế sẽ làm cho con nợ vào vòng luẩn quẩn...

Việc đấu tranh với “nạn tín dụng đen” có lúc còn lúng túng hoặc không thể xử lý dứt điểm vì các thủ đoạn tinh vi nhằm “lách luật” khi cho vay. Tuy nhiên, Công an Quảng Bình đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, xác lập chuyên án đấu tranh. Lực lượng Cảnh sát hình sự cùng 13 đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã đồng loạt khám xét khẩn cấp nơi ở, khám xét hành chính, kiểm tra hành chính, triệu tập 43 đối tượng để đấu tranh.

Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi cho vay lãi nặng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với mức lãi suất cho vay từ 120% đến 365%/năm. Hiện tại, cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can theo Điều 201 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ