Đặc biệt đó chính là sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của quý bậc phụ huynh và cả cộng đồng, đặc biệt là sự lăn lộn, tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non...
Tất cả đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đến thành công, mà điều quan trọng là đã làm thay đổi diện mạo, bộ mặt của các trường mầm non, tạo nên môi trường giáo dục mà trong đó trẻ được tận dụng mọi cơ hội tốt nhất để được chơi, được học, được trải nghiệm – môi trường thực sự lấy trẻ làm trung tâm.
Hội thi Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm cho thấy, nhiều trường tiếp tục khẳng định và phát triển theo hướng hiện đại, duy trì và không ngừng sáng tạo và sự quyết tâm thay đổi toàn diện, không chỉ đẹp về cảnh quan bên ngoài mà còn đầu tư, bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý từ bên trong như phòng học, phòng chức năng, bếp ăn một chiều, hệ thống nhà vệ sinh…
Ông Đinh Quý Nhân, giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình trao tặng giấy khen cho các đơn vị tham gia hội thi. |
Sự khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội không còn là rào cản đối với các đơn vị tham gia hội thi. Các trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, biết phát huy nội lực, sức mạnh của tập thể đồng thời tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân huy động hàng trăm, hàng ngàn ngày công lao động để san lấp mặt bằng, trồng rau xanh, trồng cây cảnh, làm thêm đồ dùng đồ chơi trong và ngoài lớp học.
Có thể nhận thấy rằng, các khu vực hoạt động ngoài trời được bố trí khoa học, đặc biệt là khu phát triển vận động, khu vui giao thông, khu vui chơi với cát, nước, sỏi, đất, đã được các đơn vị tập trung xây dựng. Hay đơn giản chỉ là gầm cầu thang, nhưng dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo đã trở thành một thư viện thân thiện, một góc dân gian, hay một gian hàng truyền thống của địa phương để cho trẻ trải nghiệm.
Các trường cũng đã quan tâm đầu tư vườn cổ tích, thông qua các mô hình, nhân vật gần gũi, dễ thương từ các câu chuyện để giáo dục trẻ; chủ động, sáng tạo trong việc sưu tầm, tìm tòi các nguyên vật liệu địa phương, các đồ dùng, đồ chơi, vật dụng dân gian làm phong phú "góc chơi dân gian của bé.
Mô hình "Vườn rau của bé" đã được các đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện, quy hoạch hợp lý về diện tích, đã tận dụng hết các khoảng đất trống để trồng rau với nhiều hình thức, có đầy đủ biển tên giúp trẻ nhận biết từng loại rau, vườn rau được chăm sóc xanh tốt, hiệu quả cao. Nhiều vườn rau được thiết kế có đường đi lối lại thuận tiện cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm, có mái che kết hợp làm giàn mát và trồng bầu, bí, mướp, tạo ra nhiều sản phẩm hiệu quả, đa dạng phong phú, đẹp mắt.
Các đơn vị đã bám sát các tiêu chí mà Sở đã hướng dẫn, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, diện tích phòng học hiện có và số lượng trẻ/lớp để lựa chọn, bố trí các góc chơi phù hợp với chủ đề, các góc chơi mang tính mở, thuận tiện, linh hoạt, dễ thay đổi.
Đồ dùng, đồ chơi phong phú về chủng loại, đảm bảo an toàn, phù hợp với chủ đề đáp ứng với mục tiêu giáo dục được sắp xếp hấp dẫn. Thông qua hoạt động ở các góc chơi, trẻ được tự do hòa mình vào các nhân vật trẻ thích, tự do thực hành trải nghiệm với đồ vật đồ chơi, được khám phá và qua đó lĩnh hội các kiến thức, hình thành năng lực cá nhân và phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội.
Các góc tuyên truyền được trình bày với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, hình ảnh đẹp, nội dung dễ hiểu, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, đây được xem là kênh giúp phụ huynh nắm bắt nhanh hơn những thông tin của trẻ, những nội dung phụ huynh cùng quan tâm phối hợp với cô giáo, nhà trường để từ đó có phương pháp giáo dục hỗ trợ trẻ phát triển một cách tốt nhất.