(GD&TĐ) - Hôm nay (29/10), tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ trì Hội nghị quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 8, Khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tới toàn thể cán bộ, viên chức các Vụ, Viện, Cục chức năng, các cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đăng Lương |
Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng: Nguyễn Vinh Hiển, Trần Quang Quý và Phạm Mạnh Hùng.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Hội nghị Ban chấp hành T.Ư 8 đã thảo luận và nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu của đổi mới lần này, Trung ương chỉ rõ, phải tạo cho được chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo; khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản, khả năng sáng tạo để làm chủ bản thân, sống tốt và làm việc hiệu quả, thực học, thực nghiệp.
Cùng đó, xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng. Hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phân tích những thành tựu, hạn chế của giáo dục trong thời gian qua, đồng thời cho biết những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong Đề án, xác định những công việc ngành Giáo dục sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ trưởng, trước hết, toàn Ngành cần quán triệt sâu sắc tinh thần, nội dung của Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, từ đó có sự thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy, thực hiện đúng, thực hiện sáng tạo trong quá trình triển khai đổi mới.
9 nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT - Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục. - Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. - Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. - Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. - Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng. - Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. - Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, tăng cường cơ sở vật chất, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục. - Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. - Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo. |
Việt Hoa