Quan tâm đến từng học sinh để duy trì sĩ số

Quan tâm đến từng học sinh để duy trì sĩ số
GV quan tâm đến HS giúp các em có hứng thú trong học tập
GV quan tâm đến HS giúp các em có hứng thú trong học tập
 

(GD&TĐ) - Trong điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của giáo dục còn nhiều thiếu thốn, vấn đề được quan tâm nhất ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số là phải huy động học sinh tới trường, duy trì sĩ số. Đây cũng là vấn đề trăn trở của thầy Nguyễn Phi Báo – Hiệu trưởng Trường PTCS Hợp Nhất (Ba Vì, Hà Nội).

Xin ông cho biết những khó khăn mà nhà trường phải đối mặt trong quá trình nỗ lực đưa chất lượng giáo dục đi lên?

- Một khó khăn chung đối với giáo dục vùng khó, mà Trường PTCS Hợp Nhất cũng không là ngoại lệ, đó là cơ sở vật chất của trường có nhiều khó khăn, thiếu phòng chức năng, phòng bộ môn. Đặc biệt, khu tiểu học mới được xây dựng của trường còn thiếu nhiều công trình phụ trợ như đường đi, nhà xe, phòng đồ dùng, thư viện...

Bên cạnh đó, nằm ở địa bàn dân cư rộng, địa hình miền núi đi lại khó khăn, nên công tác quản lý và chỉ đạo các hoạt động giáo dục của Trường PTCS Hợp Nhất gặp nhiều trở ngại. Các em HS đi học xa, lại đa phần phải đi bộ đường núi, nên những hôm thời tiết xấu, đường đến trường của các em càng thêm gập ghềnh.   

Số lớp trong khối mỏng, cũng như số HS trong lớp ít, thậm chí có lớp chỉ có... 9 HS khiến các GV khó áp dụng các phương pháp dạy học mới và khuấy động không khí học tập, cũng như đòi hỏi GV phải độc lập trong công việc. 

Đặc biệt, trường có số HS dân tộc chiếm tới 98,6%, đa số các em nhận thức còn chậm, nhiều em chưa xác định được động cơ, ý thức học tập. Đây có thể nói là khó khăn lớn nhất, cản trở việc nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Thực tế, ở địa phương có nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở nhà với ông bà nên việc đôn đốc các em học tập càng bị lơi là.

Với những khó khăn như vậy, làm thế nào để huy động HS ra lớp và duy trì sĩ số, thưa ông?

Thầy Nguyễn Phi Báo
Thầy Nguyễn Phi Báo
 

- Để huy động HS ra lớp và duy trì sĩ số, kinh nghiệm của chúng tôi là làm tốt công tác tuyên truyền về mục tiêu phổ cập giáo dục; Thực hiện tốt công tác tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6; Tổ chức tốt ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. 

Công tác chủ nhiệm lớp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho HS cảm thấy hứng thú trong học tập, đi học đều đặn.

Chính vì vậy, các GV chủ nhiệm ở đây luôn sâu sát đến từng HS, kết hợp với hội phụ huynh HS vận động HS bỏ học ra lớp với tinh thần vừa dạy vừa dỗ. Nhà trường cũng có bảng theo dõi sĩ số HS hàng tuần, hàng tháng để kịp thời nắm bắt được những thay đổi về sĩ số và có các biện pháp phù hợp.

Thêm vào đó, chúng tôi phân công giáo viên có năng lực và kinh nghiệm làm phổ cập; Lưu trữ tốt hồ sơ liên quan đến công tác phổ cập.

Hiểu rõ rằng nhận thức của nhiều HS, nhân dân địa phương về vai trò, tác dụng của giáo dục chưa tốt, từ đó chưa có động cơ, mục đích trong học tập, nhà trường cũng tích cực tham mưu với hội đồng giáo dục và hội khuyến học của địa phương để làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, hình thành phong trào thi đua của HS và làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về sự nghiệp giáo dục.

Như ông đã đề cập, để HS dân tộc cảm thấy hứng thú trong học tập, duy trì việc đi học đều đặn, vai trò của người thầy rất quan trọng. Vậy, để làm tốt vai trò của mình, các GV cần thực hiện những giải pháp gì?

- Để làm tốt vai trò của mình, trước tiên, các GV cần không ngừng học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, nêu gương cho người học; Khi có cơ hội cọ sát, học hỏi với các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường (như tham gia các cuộc thi GV dạy giỏi) phải tích cực tham gia; Tăng cường tham lớp dự giờ, sinh hoạt chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ...

Bên cạnh đó, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức cho HS. Để huy động HS tới lớp, duy trì sĩ số, cần tăng cường công tác chủ nhiệm lớp, sâu sát đến từng HS, phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ HS, sử dụng hiệu quả sổ liên lạc.

Đối với HS dân tộc, việc áp dụng các phương pháp dạy học mới cũng cần có những cách làm riêng phù hợp. Theo ông, để đổi mới phương pháp hiệu quả với đối tượng HS này, cần áp dụng các biện pháp như thế nào?

- Để đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả, nhà trường chỉ đạo GV triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, phát triển năng lực HS; Giúp HS vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất.

Ngoài việc tổ chức cho HS thực hiện các nhiệm vụ học tập trên lớp, cần coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn HS học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường.

Mặt khác, cần tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. 

Để có thể phát huy tối đa năng lực của từng HS, giúp các em sáng tạo, tích cực trong học tập cũng như cảm thấy thích đến trường, đến lớp, GV chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động của GV và HS; Phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; Chú trọng công tác phụ đạo HS yếu; Nắm chắc tình hình, nguyên nhân HS bỏ học và có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Chúng tôi cũng đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành trong các môn học; Bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho HS; Tăng cường liên hệ thực tế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học.

Việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo hình thức sinh động, kết hợp với không khí lễ hội (như Hội thi tự làm và sử dụng thiết bị dạy học của GV; Ngày hội công nghệ thông tin...) cũng có tác dụng khuyến khích GV và HS sử dụng hợp lý, khai thức tối đa tác dụng của các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn, thư viện trường học...

Để có thể đổi mới phương pháp dạy học thành công, cũng cần chú trọng giúp HS phát triển một cách toàn diện, thúc đẩy HS hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống và tinh hoa văn hóa thế giới thông qua các hoạt động ngoại khóa như các trò chơi dân gian, các hội thi năng khiếu văn nghệ, thể dục – thể thao, hoạt động giao lưu...

Xin cảm ơn ông!

Theo thầy Nguyễn Phi Báo, việc các giáo viên, ban giám hiệu có quan hệ tốt với cha mẹ học sinh, nhân dân địa phương đem lại nhiều lợi ích. Trước hết là giúp cho việc huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số có nhiều thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, hiểu rõ phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý của đồng bào dân tộc sẽ giúp các giáo viên dễ nắm bắt suy nghĩ, tình cảm của cha mẹ học sinh và học sinh, khiến cho người dân tin tưởng thầy cô hơn.

 Chu Minh (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ