(GD&TĐ) - Một cuộc thăm dò thú vị về nỗi ám ảnh của giới trẻ Hàn Quốc (HQ) đối với thế giới người nổi tiếng cho thấy đang có sự biến chuyển rõ nét trong lĩnh vực này. Nếu năm 1983, có 23,3% em muốn trở thành nhà khoa học (cũng là ước mơ lớn nhất của tuổi trẻ HQ) thì 20 năm sau đó tình hình hoàn toàn khác. Khi trang web phổ thông kids.daum.net dành cho thiếu niên thăm dò 10.478 học sinh về nghề nghiệp ưa thích lúc trưởng thành thì phát hiện ra 41,6% hay 4.364 em muốn trở thành… ca sĩ !
Một nghiên cứu thú vị
Viện đã thăm dò ý kiến của 4.579 học sinh trung học và phát hiện ra chỉ có 71,2% học sinh cho biết rất hạnh phúc, so với 92,3% ở Trung Quốc (TQ) và 75,7% ở Nhật Bản (NB). Giới trẻ HQ có vẻ ngại lệ thuộc hơn vào cha mẹ so với các đồng trang lứa khác ở Đông Á. Chỉ có 65,3% tin là không nên mong đợi sự giúp đỡ tài chính của cha mẹ khi đã lập gia đình, so với 79,4% học sinh TQ và 74,7% học sinh NB.
Tiền vẫn được xem là mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống của giới trẻ HQ. Một nguyên nhân là những người từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á lúc còn trẻ vào cuối thập niên 1990 và thấy “sức mạnh của đồng tiền” khi lớn lên đã xem tiền là mục tiêu quan trọng hơn so với các thế hệ trước. Một cuộc khảo sát của một cơ quan quảng cáo trên qui mô toàn quốc cho thấy 78,5% thanh niên ở độ tuổi từ 25-31 từng chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính lúc còn ngồi ghế nhà trường đã đặt tiền lên hàng đầu danh sách các ưu tiên phải đạt được. Nhiều người nhớ lại những gì cha mẹ hay thân nhân của họ từng chịu đựng vào giai đoạn khó khăn này. Họ không muốn rơi vào tình trạng túng thiếu tương tự. 60% thanh niên được hỏi cũng đồng tình với ý kiến cho rằng “giầu có là thước đo thành công”, trong khi 68% đồng ý “hạnh phúc nhiều hay ít là tùy vào được hưởng thụ các tiêu chuẩn vật chất cao hay thấp trong cuộc sống”.
Ảnh mh |
Ám ảnh nổi tiếng
Một cuộc thăm dò thú vị khác về nỗi ám ảnh của giới trẻ HQ đối với thế giới người nổi tiếng cho thấy đang có sự biến chuyển rõ nét trong vấn đề này. Năm 1983, một tạp chí trẻ em nổi tiếng đã tiến hành cuộc khảo sát 6.595 học sinh, trong đó hỏi chúng muốn gì lúc lớn lên. Chọn lựa hàng đầu là trở thành nhà khoa học với tỉ lệ vượt trội 23,3%, kế đến là giáo viên với 14,1%, thẩm phán (11,5%), bác sĩ (11%), họa sĩ (7,8%). Khi được hỏi điều gì làm cho chúng hạnh phúc, 63% trả lời là “được sống một cuộc sống sung túc”. Trả lời câu hỏi sẽ chọn ngành nào khi vào đại học, khoa Vật lý của Viện Đại học Quốc gia Seoul (SNU) là chọn lựa ưu thích nhất của học sinh vì đây là nơi thu hút những tài năng sáng chói nhất của HQ. Hai mươi năm sau đó tình hình hoàn toàn khác.
Khi trang web phổ thông kids.daum.net dành cho thiếu niên thăm dò 10.478 em về nghề nghiệp ưa thích lúc trưởng thành thì phát hiện ra 41,6% hay 4.364 em muốn trở thành… ca sĩ. Chỉ có 110 em muốn trở thành nhà khoa học, xếp thứ 19 trong top 20 ngành nghề yêu thích. Sự biến động mạnh về xu hướng chọn nghề không chỉ diễn ra ở bậc tiểu học mà lan sang cả bậc trung học và sinh viên đại học, khi ngày càng có nhiều người trẻ khát khao được làm ca sĩ, diễn viên. Năm ngoái có 4.157 thanh niên tranh 14 vị trí trong cuộc thi tuyển diễn viên của hệ thống phát thanh TH SBS. Tỉ lệ “chọi” ở nam giới là 297/1 và ở nữ giới là 222/1, tức vượt xa tỉ lệ chọi trong thi đại học.
Ảnh mh |
Tại NB, khi có thông báo tuyển một thành viên còn thiếu cho một nhóm nhạc nữ, lập tức có 2.500 ứng viên trẻ tranh vị trí này. Họ đến từ khắp nước, tuổi từ 8-34! Cuộc tuyển chọn ca sĩ của công ty giải trí Nhật JYP Entertainment (một trong những công ty giải trí lớn nhất đang quản lý cho 2 nhóm nhạc 2PM và Wonder Girls) có đến 23.000 thí sinh, tức 1 chọi… 6.000. Hiện các đại học có những khoa liên quan đến biểu diễn và đóng phim đều có tỉ lệ 1 chọi vài trăm. Khoảng 1.000 học viên trẻ tại các công ty quản lý và đào tạo tài năng đang bỏ ra cả ngày để tập hát và nhảy múa đến nỗi quên cả việc học chữ ở trường. Nghề được xem là “hot” nhất trong nữ sinh viên là dẫn chương trình hay phát thanh viên tin tức với tỉ lệ 1 chọi 1.000 ở đầu vào đại học. Lý do là trong những năm qua, phụ nữ làm nghề này cũng nổi tiếng không thua gì ca sĩ hay diễn viên điện ảnh. Trở thành một ca sĩ hay diễn viên được xếp ngang hàng với điều hành một cơ sở kinh doanh với sản phẩm độc nhất là “tiếng hát” hay cách diễn của mình. Đối với giới trẻ châu Á, thành công chỉ có ý nghĩa đích thực khi dẫn đến giầu có và nổi tiếng. Đây là hai kết quả phải có của thành công. Khi tiền bạc trở thành yếu tố đo đếm sự thành công thì thì hệ quả sẽ khó lường. Thành công có sự đóng góp rất lớn của may mắn. Trong lĩnh vực giải trí, sự nổi tiếng cũng đồng nghĩa với đánh cược tương lai mình và lệ thuộc hoàn toàn vào thị hiếu của người hâm mộ.
Lý do quá nhiều giới trẻ HQ mơ gia nhập thế giới biểu diễn có vẻ đến từ việc mất ảo tưởng của họ đối với sự thành công nhanh trong những lĩnh vực khác, như nghiên cứu khoa học, vì chúng không mang về nhiều tiền bạc và đạo quân người hâm mộ. “Có lẽ không có nước nào trên thế giới giống như HQ, một đất nước có hơn phân nửa học sinh tiểu học mơ trở thành nghệ sĩ” – một luật sư giải trí bộc bạch. Dĩ nhiên, đất nước nào cũng có các thần tượng để mơ về; và mơ thành ca sĩ hay diễn viên không phải là điều xấu. Nhưng bất cứ giấc mơ nào bị “bội thực” cũng sẽ trở thành “vấn nạn quốc gia”. Thanh niên cũng cần được kích thích và khuyến khích yêu khoa học và những nghề nghiệp khác, kể cả chính trị gia. Cơn sốt “người nổi tiếng” nếu không được uốn nắn đúng mức sẽ trở thành cơn ác mộng cho xã hội.
Hồng Hải
(Theo Korea Times, Korea Herald - 9.2011)