Quản lý thực hành thờ cúng Thánh mẫu để tránh biến tướng

GD&TĐ - Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui đối với người dân Việt Nam, song cũng còn nhiều thách thức trong vấn đề quản lý việc thực hành thờ cúng Thánh mẫu khỏi những biến tướng tiêu cực không đáng có.

Quản lý thực hành thờ cúng Thánh mẫu để tránh biến tướng

Sức sống mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, trong quan niệm tín ngưỡng thờ Mẫu có bốn vấn đề gắn bó mật thiết với cộng đồng.

Một là tín ngưỡng thờ Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ;

Hai là mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc - Lộc - Thọ - những ước muốn vĩnh hằng của con người.

Ba là, thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết các vị thần mà tín ngưỡng thờ Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa, ví dụ như Đức Thánh Trần trong tín ngưỡng thờ Mẫu chính là Trần Hưng Đạo.

Và thứ tư, tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bởi ý nghĩa tốt đẹp đó, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mạnh mẽ và bền bỉ trong đời sống nhân dân.

Những ý nghĩa mà tín ngưỡng thờ Mẫu mang lại đã khẳng định giá trị về lịch sử và văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Do đó để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở các nhà quản lý mà cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng.

Việc các Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, tổ chức triển khai các hoạt động liên hoan hát văn, khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ là điều cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể này.

Những thách thức đáng lo ngại

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên phạm vi cả nước có khoảng 7.000 đền, phủ (chưa kể các điện thờ tư nhân) liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là chúng ta cần quản lý hình thức thực hành tín ngường này như thế nào.

Tại tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa” được tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian đã có những chia sẻ, những băn khoăn trong vấn đề làm sao để giúp cộng đồng nhận diện đúng về giá trị văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu đó là: Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được vinh danh là niềm tự hào nhưng cũng đặt ra những thách thức hiện hữu và nỗi lo biến tướng bởi nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở phủ, lên đồng.

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Thị Hiền đưa ra đánh giá: “Thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội”.

Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả cộng đồng. Hiện nay trước lo ngại nhận thức sai về di sản, thương mại hóa các nghi lễ, thiết nghĩ cần rà soát lại các chủ thể văn hóa là những người đang thực hành di sản bao gồm thủ nhang, pháp sư, đồng đền, cung văn, người phụ lễ… Ngoài ra cần có quy chế quản lý di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động trục lợi, buôn thần bán thánh.

Có cùng quan điểm trên, bà Chu Thị Minh Tân - Phòng Văn hóa thông tin quận Tây Hồ, Hà Nội cũng cho rằng, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng về di sản tới nhân dân, tránh những nhận thức sai về di sản, tránh thương mại hóa các nghi lễ, cần rà soát lại các chủ thể văn… Đặc biệt, cần ban hành quy chế, kế hoạch quản lý Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Những lo ngại về sự biến tướng của di sản là có cơ sở, bởi vậy mỗi địa phương cần phải căn cứ tình hình thực tế để ban hành quy chế, kế hoạch quản lý nhằm tránh những biến tướng ảnh hưởng đến những giá trị di sản văn hóa truyền thống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.