Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Quốc gia “Quản lý phát triển xã hội ở nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và định hướng chính sách” (KX.04.15/16-20).
Hội thảo mang ý nghĩa khởi động cho các hoạt động nghiên cứu của đề tài KX.04.15/16-20 liên quan tới toàn bộ vấn đề về cơ sở lý luận và khung nghiên cứu vấn đề quản lý phát triển xã hội (QLPTXH) nói chung và QLPTXH tại Việt Nam nói riêng.
Với tầm quan trọng và ý nghĩa của đề tài, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ quan quản lý các cấp. Có hơn 20 báo cáo tham gia hội thảo đề cập đến nhiều vấn đề đa dạng với nhiều góc tiếp cận khác nhau liên quan đến QLPTXH.
Tại hội thảo, các đại biểu tham luận đều thống nhất về tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu. Đây là vấn đề cần tiếp cận từ góc độ liên ngành, với sự hợp tác của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như Chính trị học, Xã hội học, Kinh tế học, Văn hoá học…
Các ý kiến nhận định có chung nhận định: Phát triển xã hội đã và đang là mối quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chiến lược của tất cả mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Trên thực tế, mỗi quốc gia, dân tộc đều cố gắng tìm cho mình một con đường phát triển, hoặc là theo con đường phát triển riêng mới, hoặc là áp dụng mô hình sẵn có mà các nước khác đã thực hiện. Đã xuất hiện nhiều lý thuyết phát triển khác nhau và thực tế cũng có nhiều cách thức, mô hình, con đường khác nhau trong phát triển và quản lý phát triển của các quốc gia. Có nước thành công nhưng cũng có nước sau những bước tiến thần kỳ lại rơi vào khủng hoảng, tụt hậu. Ngay cả trong những quốc gia được coi là phát triển cũng vẫn tồn tại những bất ổn trong phát triển. Vậy căn nguyên của những hiện tượng đó là gì? Đâu là con đường, phương thức, mô hình tối ưu cho quốc gia, dân tộc phát triển bền vững…? Mô hình quản lý phát triển nào là phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội của Việt Nam? Những bài học kinh nghiệm gì có thể học tập từ thế giới?...
Từ cách đặt vấn đề trên, một số tham luận đi sâu bàn về những khái niệm cần chú ý trong QLPTXH như: bất bình đẳng, phân tầng xã hội, xung đột xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người, quản lý xã hội… Có tham luận đưa ra một số vấn đề tiếp cận lý thuyết về QLPTXH ở nước ta hiện nay như khái niệm QLPTXH, các mục tiêu của QLPTXH, chủ thể của QLPTXH, vai trò của nguồn lực tài chính đối với QLPTXH, đa dạng hoá các phương thức QLPTXH… Các cách tiếp cận về phát triển xã hội cũng được đề cập đa dạng từ góc độ lịch sử phát triển xã hội, từ góc độ kinh tế học hay tiếp cận từ khái niệm quản lý sự thay đổi…
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hà (Trường ĐHKHXH&NV) và ThS. Nguyễn Văn Thục (Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển) cho rằng:"Để làm rõ cơ sở lý luận về quản lý phát triển xã hội nói chung và vấn đề quản lý phát triển xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, trước tiên cần làm rõ hệ thống khái niệm có liên quan đến quản lý phát triển xã hội như: bất bình đẳng, phân tầng xã hội, xung đột xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người, quản lý xã hội…"
Còn theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn (Tạp chí Cộng sản): "Khái niệm Quản lý phát triển xã hội lần đầu tiên được Đảng ta đưa vào văn kiện tại Đại hội XII, thể hiện cách tiếp cận mới trong quản trị phát triển quốc gia. Điều này xuất phát từ nhu cầu khoả lấp những khiếm khuyết của qquản lý phát triển xã hội chưa đồng bộ với quản lý phát triển các lĩnh vực khác của đời sống, xuất phát từ yêu cầu quản trị biến đổi xã hội, nhất là những vấn đề xã hội mới phát sinh; xuất phát từ tính đặc thù của lĩnh vực xã hội không hoàn toàn áp dụng các phương pháp quản lý hành chính hay tuân theo quy luật của thị trường đầy đủ, mà bị chi phối rất lớn của thể chế phi chính thức, hoạt động phi lợi nhuận và được điều chỉnh bởi những giá trị nhân văn, đạo đức của xã hội. Tác giả cũng đưa ra một số vấn đề tiếp cận lý thuyết về QLPTXH ở nước ta hiện nay như khái niệm QLPTXH, các mục tiêu của QLPTXH, chủ thể của QLPTXH, vai trò của nguồn lực tài chính đối với QLPTXH, đa dạng hoá các phương thức QLPTXH…"
GS.TS Dương Xuân Ngọc (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại nhấn mạnh đến tính đa dạng trong cách tiếp cận về phát triển xã hội, từ góc độ lịch sử phát triển xã hội, từ góc độ kinh tế học hay tiếp cận từ khái niệm quản lý sự thay đổi…
Bàn đến việc vận dụng lý thuyết QLPTXH vào thực tiễn ở Việt Nam, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) đề cập đến những vấn đề có tính chất phương pháp luận như: vận dụng quan điểm Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của ĐSCVN như thế nào; cần đánh giá được điểm mạnh và điểm yếu của từng lý thuyết phát triển khi vận dụng và phải tính đến đặc thù của Việt Nam; phải có đánh giá khách quan và toàn diện về thực trạng xã hội Việt Nam cũng như phải nắm vững những thách thức đối với quản lý trong thế kỷ XXI trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
GS.TS Đặng Cảnh Khanh (Viện Nghiên cứu và Phát triển) đưa ra đề xuất: "Những di sản văn hoá của cha ông trong lĩnh vực quản lý xã hội phải nghiên cứu, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá, qua đó phát huy những nhân tố tích cực, tiến bộ từ truyền thống dân tộc. Ví dụ: bài học về đấu tranh chống cơ chế hành chính quan liêu, chấn chỉnh trật tự kỷ cương xã hội; bài học về kết hợp giữa pháp luật và đạo đức trong quản lý …"
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học đi sâu phân tích thực trạng xã hội ở những lĩnh vực cụ thể của QLPTXH ở Việt Nam như: vấn đề đảm bảo an ninh con người; cơ sở pháp lý và vai trò của tự quản địa phương; vấn đề giảm nghèo và đô thị hoá …
Đặc biệt, nhiều tham luận chọn hướng nghiên cứu và phân tích những mô hình và bài học kinh nghiệm trong QLPTXH ở nhiều quốc gia trên thế giới để có cái nhìn so sánh đối chiếu với Việt Nam như: mô hình QLPTXH ở Hoa Kỳ và Trung Quốc; ứng xử với xã hội già hoá dân số Hàn Quốc; QLPTXH nhìn từ hệ thống phúc lợi xã hội dành cho người cao tuổi ở Thái Lan …
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội)- Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: "Quản lý phát triển xã hội là vấn đề quan tâm không chỉ của riêng quốc gia nào trên thế giới. Đề tài nhằm chia sẻ vấn đề về phát triển theo từng bối cảnh cụ thể vàtrao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển giữa các quốc gia. Mục tiêu là đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các gợi ý chính sách trong tương lai. Đề tài tuy không mới nhưng vẫn mang ý nghĩa thời sự và chiến lược.
Trên cơ sở phân tích làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về quản lý phát triển xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, tham khảo mô hình, cách thức quản lý phát triển xã hội ở một vài nước, đề tài tập trung đánh giá toàn diện, cập nhật thực trạng xã hội và quản lý phát triển xã hội ở nước ta, từ đó đề xuất mô hình, định hướng chính sách và những giải pháp chủ yếu để quản lý tốt sự phát triển xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề cốt lõi về quản lý phát triển xã hội theo định hướng trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, liên quan đến các vấn đề: khắc phục tình trạng phân cực giàu nghèo, phân tầng xã hội, tình trạng mất cân đối, thiếu đồng bộ trong phát triển; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm an ninh con người, phát triển xã hội hài hòa, bền vững…"