Tín hiệu vui
Hệ thống quản lý sức khoẻ toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch... Các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng.
Nói về việc quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với Sở Y tế Hà Nội ngày 9/2 cho rằng, quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân là mơ ước của tất cả người dân, của ngành Y tế, ngành Bảo hiểm. Hiện việc quản lý hồ sơ sức khỏe đã được triển khai tại một số xã trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc quản lý sức khỏe cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám, chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác.
Hiện nay, hoạt động này đang được triển khai thí điểm tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Bắc Ninh, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Nhân rộng phạm vi cả nước
Sau những tiến hiệu khả quan của việc thí điểm lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân tại Phú Thọ và Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Hà Nội - TP với gần 9 triệu dân - khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đến tháng 9/2017 có thể tiến hành quản lý sức khỏe nhân dân bằng điện tử. Sau Hà Nội sẽ là các địa phương trên cả nước đồng loạt áp dụng. “Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội rộng lớn do vậy cần sự vào cuộc gắt gao của các cơ quan liên quan”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Về phía Hà Nội, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện, thị xã. Theo đó, các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Hà Nội cam kết hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khỏe của tất cả người dân trong tháng 9/2017. “Tới đây, mỗi người dân Thủ đô sẽ được lập sổ khám chữa bệnh với các thông tin cơ bản: Chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sàng; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm”, ông Nguyễn Khắc Hiền cam kết.
Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để triển khai công việc này, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung cho 42 cơ sở y tế. Mỗi người có một mã số riêng, sau này khám chữa bệnh ở đâu trên địa bàn thành phố cũng được cập nhật vào hệ thống nhưng thông tin cá nhân được bảo mật, bác sĩ chỉ mở hồ sơ khi được người bệnh đồng ý.