(GD&TĐ) – Trước khi cuộc họp của NATO do Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi diễn ra nhằm thảo luận về việc Syria hạ máy bay của mình, mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng này đang ở bờ vực nguy hiểm. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế kêu gọi 2 bên bình tĩnh và tránh giải quyết bằng quân sự.
Các nhóm cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vẫn tìm kiếm xác chiếc máy bay rơi |
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, thứ 6 tuần trước, Syria đã bắn hạ máy bay quân sự của mình trong không phận quốc tế và nước này có thể chính thức xin ý kiến với các liên minh NATO để phản ứng lại.
Đại sứ từ các nước thành viên NATO sẽ có cuộc gặp gỡ ở Brussels, Bỉ vào hôm nay (26.6), để bàn bạc về vấn đề với hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công quân sự với Syria.
Kể từ khi bắn hạ máy bay vào thứ 6 tuần trước, Syria đã nói rằng chiếc máy bay đã vi phạm không phận của mình và nhấn mạnh sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền của mình.
Trong một cuộc họp báo hôm qua, ông Jihad Makdissi, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Syria, cho biết phản ứng của Syria là “phòng vệ.. khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lãnh thổ Syria”.
Ông cũng bác bỏ những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ rằng chiếc máy bay bị bắn hạ trong không phận quốc tế và không nằm trong lãnh thổ của mình.
Một chuyên gia quân sự nói với truyền thông địa phương rằng bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ mang ác ý, điều này cũng khiến có những thông tin rằng chiếc máy bay đang làm nhiệm vụ do thám và có thể có thông tin từ phe đối lập Syria rằng tổng thống Bashar al – Assad đang nghỉ cuối tuần tại dinh thự tổng thống trong khu vực.
“Nó (chiếc máy bay) muốn tiếp cận vào khu vực có dinh thự có thể muốn truyền tải một thông điệp nào đó cho chính phủ” – ông nói.
Một nhà phân tích Syria tên là Hamdi Abdullah, đồng tình với ý kiến cho rằng chiếc máy bay đang làm nhiệm vụ do thám và cho rằng hành động này cũng là để tăng áp lực lên Syria. Ông trích lời các nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chiếc máy bay được gửi tới để do thám hệ thống radar Syria ở vùng Latakia ở Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không đáp trả trước khi diễn ra cuộc họp của NATO và cũng đã đưa ra một loạt đe dọa chống lại Damascus và nhấn mạnh rằng việc này sẽ không thể không bị trừng phạt.
Khi căng thẳng đang leo thang giữa 2 nước thì Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bulent Arinc cho rằng một máy bay khác của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ trong khi đang đi tìm mảnh vỡ của chiếc máy bay thứ nhất.
Dường như, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm có biện pháp trừng phạt với Damascus.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz nói rằng chính phủ của ông sẽ cắt nguồn điện cung cấp cho Syria và quyết định này sẽ được công bố vào hôm nay trong cuộc họp với quốc hội.
Các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Syria khoảng 10% nhu cầu điện.
Ngoài ra, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hàng chục thành viên quân đội Syria đã đào tẩu, và điều này càng làm mối quan hệ 2 nước thêm rạn nứt.
Syria cũng đưa ra lời đe dọa của chính mình. Phát ngôn viên Makdissi chỉ ra rằng Syria sẽ phản ứng với bất kỳ biện pháp gây hấn nào của NATO.
Kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng tình với các nhà hoạt động phe đối lập và đã cho nhiều người trong số họ trú ngụ. Đây cũng là quốc gia mà chính phủ Syria lo lắng vì là nơi tị nạn của 33.000 người Syria.
Trong khi đó, Moscow và Iran thể hiện sự lo lắng rằng cuộc khủng hoảng liên quan tới máy bay chiến đấu sẽ dẫn tới một cuộc leo thang quân sự ở Syria. Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Alexander Grushko hôm qua nhấn mạnh hy vọng NATO sẽ không có bước đi nào càng làm căng thẳng thêm tình hình ở Syria trong cuộc họp.
Phương Hà (Theo Xinhua)