Quan hệ Mỹ - Cuba: Phập phù thời hậu Obama

GD&TĐ - Tổng thống Mỹ Donald Trump không hề giấu giếm dự định sẽ làm chậm quá trình kết nối lại tình hữu nghị giữa Mỹ và Cuba, mà trước đây ông Barack Obama đã dày công phát triển. Trong bài phát biểu tại Miami vừa qua, ông Trump thông báo sẽ kìm hãm mối quan hệ thương mại và du lịch với Cuba để gây sức ép với chính phủ Raul Castro.

Quan hệ Mỹ - Cuba:  Phập phù thời hậu Obama

Người dân hai nước cùng thiệt thòi

Theo ông Trump, cách tiếp cận mang tính chất tương trợ của ông Obama trong 2 năm vừa qua đã dẫn tới một chính sách thất bại. Theo các quan chức Nhà Trắng, ông Trump sẽ lên kế hoạch phác thảo những quy tắc cứng rắn hơn đối với những người Mỹ du lịch Cuba, đồng thời cấm các giao dịch với các công ty thuộc quân đội kinh doanh khách sạn và du lịch.

Tuyên bố của ông Trump có thể ảnh hưởng đến cả hai nước, trước hết là khiến người Mỹ du lịch và làm ăn với Cuba sẽ ngày càng khó khăn và tốn kém hơn. Người dân Cuba cũng sẽ phải trả giá đắt, nhất là những người kiếm sống từ du lịch và những cơ hội kinh doanh từ khi mở cửa. Những thay đổi dự kiến cũng sẽ tạo ra sự khác biệt rõ ràng về mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, vốn mới chỉ bắt đầu tan băng sau nửa thế kỷ cô lập và xa lạ, đẩy hai nước trở lại hai bờ đối lập – dấu tích cuối cùng còn lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Ông Trump đã đưa ra cam kết về mặt chính trị đối với cộng đồng người Cuba gốc Cuba ở Miami, nơi đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm ngoái và hiện nay đang phản đối kịch liệt xu hướng chính trị của ông với Cuba. Chính sách mới này được phần lớn các thành viên đảng Cộng hòa Cuba – Mỹ trong Quốc hội Mỹ đưa ra, trong đó có Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Mario Diaz-Balart. Cả hai vị Thượng nghị sĩ này đều ở Florida và mong muốn những chế tài cứng rắn hơn đối với chính phủ của ông Castro.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức nhân quyền đã phản đối mạnh mẽ sự thay đổi này. Ngay cả các thành viên chính quyền của ông Trump cũng lập luận rằng hành động hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Havana mang lại lợi ích trong an ninh quốc gia, trong ngoại giao cũng như kinh tế cho Mỹ và chẳng có lý do gì đáng để hy sinh những lợi ích này. Theo một số quan chức chính phủ Mỹ, cuộc xung đột nội bộ rõ ràng trong cách tiếp cận mới này sẽ được ghi nhận trong một chính sách mà ông Trump dự kiến sẽ công bố. Mặc dù, ông Trump nhiều lần cho rằng cựu Tổng thống Obama đã có những “thỏa thuận xấu” với Cuba, nhưng sự thay đổi của ông có lẽ vẫn chưa đạt được sự đảo chiều mà nhiều người mong muốn, trong đó có ông Diaz-Balart.

Khép lại những cánh cửa

Chính quyền ông Trump sẽ không theo hướng giải quyết các quy định khác đã đưa ra những ngoại lệ đối với lệnh cấm vận thương mại, bao gồm cả những biện pháp cho phép tài trợ trực tiếp một số mặt hàng xuất khẩu nhất định và cho phép sử dụng đồng dollar Mỹ trong các giao dịch với Cuba. Ông Trump cũng sẽ không khôi phục lại chính sách mà ông Obama vừa ban hành năm ngoái, cho phép người Cuba đến Mỹ không có thị thực vẫn có thể ở lại nước này và có thể được cư trú hợp pháp.

Ngoài ra, ông Trump còn dự kiến những thay đổi đáng kể. Ông kêu gọi đảo ngược các quy định mà ông Obama đã đưa ra năm ngoái, trong đó cho phép người Mỹ đang thực hiện các chuyến đi với mục đích giáo dục hoặc văn hóa có thể tự mình đi Cuba mà không cần sự cho phép đặc biệt của chính phủ Mỹ hay giấy phép của công ty lữ hành, miễn là họ giữ hồ sơ các hoạt động của họ trong 5 năm. Sự thay đổi năm 2016 đã làm thay đổi phần lớn lệnh cấm vận của Mỹ, vốn và vật cản lớn trong du lịch giữa Mỹ với Cuba.

Dưới chính quyền ông Trump, các chuyến đi như vậy chỉ có thể thành hiện thực nếu một nhóm du khách được cho phép, giống như trước thời ông Obama. Bộ Tài chính có trách nhiệm soạn thảo các quy định mới sẽ được đưa ra nhằm thực thi nghiêm túc luật pháp về việc người Mỹ đi du lịch Cuba, bao gồm cả việc kiểm toán định kỳ.

Đáng chú ý, ông Trump cũng chỉ đạo việc cấm người Mỹ làm ăn với các công ty thuộc quân đội, tình báo hoặc cơ quan an ninh tại Cuba, trong đó có nhiều khách sạn nước ngoài. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng cho biết sẽ có một số trường hợp ngoại lệ, bao gồm sân bay và cảng biển. Điều đó có nghĩa là hoạt động của tàu du lịch và các chuyến bay sẽ không bị ảnh hưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...