Suốt chiến dịch tranh cử, mặc dù có những phát biểu rất tiêu cực về các đối tác nước ngoài song ông Trump lại tỏ ra hết sức tích cực về Ấn Độ, hay ít ra là cộng đồng Hindu chiếm đa số ở nước này và vị Thủ tướng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Narendra Modi.
Khi ông Trump tìm cách tranh thủ các cử tri Mỹ gốc Ấn trong cuộc mít - tinh tại New Jersey hồi giữa tháng 10, ông nói: “Sẽ không có mối quan hệ nào quan trong hơn đối với chúng ta”.
Ông Trump ca ngợi ông Modi - một nhà dân túy khác rất biết cách sử dụng truyền thông xã hội - là một “người tuyệt vời” vì cương quyết trong việc cải cách bộ máy quan liêu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn có những dấu hiệu khác nữa cho thấy thiện ý của ông Trump với Ấn Độ. Ông Trump đã có nhiều thương vụ kinh doanh ở đây. Phân tích của tờ “Bưu điện Washington” về công bố tài chính của ông Trump trước kỳ bầu cử cho thấy trong số 111 thỏa thuận kinh doanh quốc tế của ông thì con số cao nhất - 16 - là ở Ấn Độ.
Hồi tuần trước, ông đã gây tranh cãi về khả năng xảy ra những xung đột lợi ích khi có cuộc gặp gỡ với ba đối tác kinh doanh Ấn Độ hiện đang xây dựng tổ hợp các căn hộ xa hoa mang thương hiệu của ông Trump ở thành phố Pune.
Ngày 23/11, ông chọn Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, con gái một người Sikh Ấn Độ nhập cư, làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc - người phụ nữ đầu tiên có vị trí trong nội các của ông.
Vẫn còn nhiều phỏng đoán xung quanh chính quyền của ông Trump sau khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Song chuyên gia Lisa Curtis thuộc nhóm cố vấn Quỹ Di sản theo đường lối bảo thủ cho rằng “rất dễ hình dung” rằng Mỹ và Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ trong vấn đề chống khủng bố.
Ấn Độ hi vọng cam kết của ông Trump chống các tay súng Hồi giáo cực đoan sẽ đồng nghĩa với việc Mỹ gây áp lực hơn nữa đối với Pakistan và bớt trợ giúp cho đối thủ chính này của Ấn Độ. Các tay súng đóng cứ ở Pakistan bị cáo buộc đã gây ra các vụ tấn công qua biên giới vào Ấn Độ.
Chuyên gia Neelam Deo, người đứng đầu nhóm cố vấn Gateway House tại Mumbai, cho rằng Ấn Độ cũng sẽ hoan nghênh nếu ông Trump xây dựng một mối quan hệ phối hợp với Nga trong việc chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Song bà Deo dự đoán Mỹ và Ấn Độ sẽ có xích mích nếu ông Trump hạn chế cấp visa phi nhập cư cho người Ấn Độ để bảo vệ người lao động Mỹ. Bà cho biết 60% chuyên gia công nghệ thông tin của Ấn Độ ra làm việc ở nước ngoài là tới Mỹ.
Lalit Mansingh, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, cho biết phản ứng ở Ấn Độ trước chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Mỹ rất khác nhau từ những lời công khai ủng hộ trong giới cánh tả cho tới việc bị bất ngờ và thất vọng trong giới trí thức tự do.
Ông cho biết mọi người đã thấy được rằng ông Trump tham dự các sự kiện trong chiến dịch tranh cử cùng với người Hindu hơn là cộng đồng Mỹ - Ấn đông đảo hơn.
Ấn Độ có 80% dân số là người Hindu, song 14% trong tổng dân số nước này là người Hồi giáo. Quan hệ Mỹ - Ấn đã tiến triển dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, nhất là từ sau khi ông Modi lên nắm quyền năm 2014.
Khi ông Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 6 năm nay, ông đã mô tả Mỹ là “đối tác không thể thiếu” và nói rằng hai nước cùng nhau có thể giữ vững được sự ổn định và thịnh vượng từ Ấn Độ Dương cho tới Thái Bình Dương.
Ông Trump cũng dự định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một yếu tố kinh tế quan trọng trong chính sách châu Á của Tổng thống Obama.
Ấn Độ không tham gia thỏa thuận này, song Ấn Độ sẽ quan ngại nếu ông Trump có quan điểm biệt lập và giảm bớt sự hiện diện của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Giáo sư Dhar nói: “Ấn Độ lo ngại về ưu thế của Trung Quốc ở khu vực này”.