Quân đội phương Tây đổ về Trung Đông

GD&TĐ - Động thái các nước phương Tây do Mỹ và Đức làm tiên phong đưa quân đội và khí tài hiện đại tới Địa Trung Hải chủ yếu như một biện pháp 'nắn gân'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mỹ đang điều cùng lúc 2 biên đội tàu sân bay đến khu vực gần cuộc xung đột Israel – Hamas, trong khi Đức cũng triển khai một số đơn vị đặc nhiệm tới đảo Síp để chuẩn bị ứng phó với mọi kịch bản chiến tranh ở khu vực Trung Đông.

Động thái các nước phương Tây do Mỹ và Đức làm tiên phong đưa quân đội và khí tài hiện đại tới Địa Trung Hải chủ yếu như một biện pháp “nắn gân”, nhằm ngăn chặn cuộc xung đột ác liệt giữa Israel và Hamas hiện nay lan rộng thành cuộc chiến tranh khu vực.

Đối với Mỹ, việc triển khai cùng lúc hai tàu sân bay mang tên Gerald R. Ford và Dwight D. Eisenhower thể hiện sự chủ động sẵn sàng cho các giải pháp quân sự khi cần thiết. Tổng thống Joe Biden đã có mặt tại Israel, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao với lãnh đạo các nước trong khu vực nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng.

Tuy nhiên, trong trường hợp các nỗ lực này thất bại Mỹ có thể tính đến biện pháp quân sự và hai tàu sân bay nhằm phục vụ cho tình huống đó. Các tàu sân bay này đều mang theo tối đa số máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cùng nhiều chiến đấu cơ hiện đại khác. Đi kèm chúng là hai đội tàu tuần dương, tàu ngầm hiện đại gắn nhiều loại tên lửa khác nhau, gồm tên lửa hành trình Tomahawk.

Đặc biệt, với trang bị của mình, các tàu sân bay Mỹ còn có khả năng thu thập thông tin tình báo để hỗ trợ cho đồng minh Israel trong cuộc tấn công trả đũa lực lượng Hamas sau vụ tấn công đẫm máu hôm 7/10 vừa qua. Hệ thống tên lửa tối tân trên các tàu Mỹ còn được cho là có thể hỗ trợ Israel phòng thủ trong trường hợp nổ ra chiến tranh với Iran và nước này bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Ngoài biên đội 2 tàu sân bay hùng hậu, Mỹ còn đang đặt hơn 2.000 lính thủy quân lục chiến trong tình trạng sẵn sàng cao để có thể tham chiến bất cứ lúc nào. Giới phân tích cho rằng, với việc triển khai lực lượng của mình, Mỹ đang dường như phát đi tín hiệu rõ ràng với Iran và cả lực lượng Hezbollah ở Li Băng về việc sẽ can thiệp nếu hai lực lượng này tham gia vào cuộc xung đột hiện nay.

Giới chức Mỹ hiện tại cho biết chưa có kế hoạch triển khai bộ binh tới Israel nhưng để ngỏ khả năng này nếu lực lượng Hezbollah ở Li Băng tập kích Israel bằng rocket quy mô lớn như cách Hamas đã làm để khai mào cuộc xung đột hiện nay.

Trong khi đó, Đức cũng đang triển khai lực lượng quân sự đặc biệt và cảnh sát đặc nhiệm, cùng các máy bay quân sự như Airbus A400M Atlas và Lockheed C-130 Hercule tới đảo Síp ở phía Đông Địa Trung Hải.

Giới chức Đức đang chuẩn bị sẵn sàng cho tất cả kịch bản xung đột tại Trung Đông hiện nay. Lực lượng này được cho là sẵn sàng giải cứu con tin Đức bị Hamas bắt cóc hoặc sơ tán công dân Đức đang làm việc trong khu vực, trong trường hợp cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay lan rộng thành cuộc chiến tranh đa phương.

Những lo ngại của Mỹ và Đức cùng các nước phương Tây về một cuộc chiến tranh quy mô lớn là hoàn toàn có cơ sở, khi Iran liên tục trong những ngày qua đe dọa đáp trả Israel. Trong khi đó, lực lượng Hezbollah ở Li Băng cũng liên tiếp phóng rocket vào các tiền đồn của Israel ở phía Bắc.

Hiện Israel vẫn kiềm chế trong việc đáp trả Hezbollah ở Li Băng nhằm tránh mở mặt trận mới bên cạnh Dải Gaza. Sự hiện diện hùng hậu của quân đội phương Tây trong khu vực cũng được coi là đối trọng đáng kể để kiềm chế cuộc xung đột hiện nay lan rộng thành cuộc chiến tranh khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ