Quản chặt thực phẩm chức năng

GD&TĐ - Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất 63 loại sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) thì hiện nay, đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố. 

Quản chặt thực phẩm chức năng

Trước sự gia tăng mạnh mẽ của ngành công nghiệp này tại Việt Nam, Bộ Y tế đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn TPCN nhằm siết chặt quản lý hiệu quả sản phẩm này.

“Ma trận” giá cả và chủng loại

Trên thị trường hiện nay các loại TPCN dưới dạng viên, nước hoặc bột và được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ chức năng của não, mắt, gan, xương khớp... được bày bán tràn lan ở các nhà thuốc. Giá cả của TPCN từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/hộp/chai/lọ. Chủ một hiệu thuốc trên phố Quốc Tử Giám (Hà Nội) cho biết, ngày càng có nhiều người đến hỏi mua TPCN. Đa số nghe theo lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng.

Nắm được nhu cầu của thị trường, các nhà sản xuất, kinh doanh TPCN ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam đua nhau sản xuất TPCN. Tuy nhiên, thời gian qua, các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy tình trạng sản xuất TPCN giả (giả về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ) đang diễn biến phức tạp. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh TPCN thực hiện quảng cáo về sản phẩm sai sự thật, cường điệu hoá công dụng của sản phẩm.

Tình trạng làm ăn bất chính của nhiều cơ sở sản xuất TPCN đã ở mức đáng báo động. Theo phân tích của các chuyên gia, có thể khi xin giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp đưa ra hàng chính hãng, nhưng khi bán ra thị trường thì lại là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Tình trạng TPCN bị làm giả, làm nhái đã ở mức báo động.

Các vụ phát hiện và bắt giữ gần đây cho thấy đối tượng làm giả rất tinh vi. Họ đầu tư trang bị hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Nhiều loại TPCN giả bị phát hiện, khi bẻ ra chỉ thấy bột mì, bột mốc. Nguy cơ mất an toàn trong sản xuất TPCN đang bộc lộ rõ, một phần do thiếu quy định cần thiết về điều kiện về nguồn nguyên liệu, sản xuất, kiểm nghiệm cũng như phân phối. Do đó, việc đăng ký sản xuất, lưu hành TPCN ở Việt Nam chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả dẫn đến sự thiệt hại về sức khỏe và tiền bạc đối với người sử dụng.

Sẽ siết chặt quản lý

Kết quả khảo sát của Hiệp hội TPCN Việt Nam mới đây cho thấy, hiện nhu cầu sử dụng TPCN đang tăng nhanh. 63% số người tại Hà Nội được hỏi nói rằng có sử dụng TPCN; con số này tại TP HCM là 43% cho thấy thị trường TPCN Việt Nam có sức hút lớn như thế nào đối với các nhà sản xuất, song cũng đặt ra bài toán đối với cơ quan quản lý.

Hiện tại, Bộ Y tế đã soạn thảo văn bản để báo cáo Chính phủ về tình hình quản lý TPCN, trong đó có đề nghị xây dựng Nghị định quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn TPCN. Động thái này của cơ quan quản lý nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng TPCN, bảo đảm điều kiện sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản xuất tốt (GMP).

Theo ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vấn đề bảo đảm các khâu an toàn thực phẩm liên quan đến TPCN đang được đặt ra một cách quyết liệt hơn bởi không thể để tiếp diễn tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay. Việc áp dụng tiêu chí GMP giúp tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị đạt tiêu chuẩn, và dần loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra, áp dụng biện pháp rút giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giảm thiệt hại cho xã hội, người tiêu dùng.

Năm 2016, Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, xử lý 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt hơn 5,7 tỷ đồng, trong đó có 54 cơ sở vi phạm các quy định về quảng cáo (60,6%). Ngoài ra, các cơ sở bị xử lý hành chính còn có hành vi vi phạm về kiểm nghiệm định kỳ, công bố sản phẩm, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ