Mới đây, cô gái Danit Peleg đã làm các khán giả tại chuỗi hội thảo toàn cầu TED bị thuyết phục, khi cô có bài phát biểu với chủ đề về thời trang in 3D. Cô nói: “quên chuyện mua sắm đi! chẳng mấy chốc bạn sẽ tải được quần áo mới về”.
Tháng 7/2015, sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng thiết kế Shenkar, Isarel này đã khiến cả hội đồng giám khảo ngỡ ngàng, khi chọn công nghệ in 3D để in ra bộ sưu tập tốt nghiệp của mình.
Một trong những thách thức đối với công nghệ in 3D ngành thời trang, đó là nguyên liệu đầu vào. Danit Peleg đã dành rất nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm tại thủ đô Tel Aviv để nghiên cứu về 3D và phát hiện ra loại sợi FilaFlex mềm, có thể làm chất liệu mặc.
Chuyện còn lại tương đối đơn giản, chỉ cần thiết kế một mẫu 3D đưa vào máy cùng nguyên liệu đầu vào, chiếc máy sẽ in ra bộ trang phục với các thông số kĩ thuật cực kì chính xác.
Cô gái này thừa nhận, ban đầu: “tôi hầu như không biết chút gì về in 3D cả và tôi chỉ có 9 tháng để học cách in 5 bộ cánh thời trang”. Hiện tại, Danit Peleg có thể in ra mọi thứ, từ quần, áo, giầy cho đến phụ kiện, tạo ra một bộ cánh “tông xuyệt tông” hoàn hảo.
Từ máy thử đồ của hệ thống Top Shop vào năm 2011
Năm 2011, một chi nhãnh của hệ thống Top Shop tại Moscow cũng đã sớm trình diễn công nghệ “phòng thay đồ ảo” do công ty AR Door phát triển.
Phòng thay đồ sử dụng giao diện của Xbox 360, cảm biến Kinect, kết hợp với một màn hình video, cho phép khách hàng có thể lựa chọn các trang phục trên màn hình và nhìn thấy mình như khi đang mặc bộ trang phục đó ngoài đời thực, với rất nhiều góc nhìn.
Gần 5 năm sau, tháng 11/2015, hãng thời trang Ralph Lauren thông báo sẽ thử nghiệp phòng thử đồ thông minh tại hệ thống cửa hàng, bắt đầu từ thành phố New York, Hoa Kỳ.
Những phòng thay đồ với tên gọi Oak Labs, sử dụng công nghệ sóng vô tuyến (RFID) để nhận diện khách hàng và hiển thị nội dung trên một màn hình lớn. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn các trang phục để kiểm tra xem có hợp hay không ngay trên màn hình cảm ứng.
... cho đến phòng thay đồ cảm ứng của Ralph Lauren vào năm 2015
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, công nghệ in 3D và các phòng thay đồ số đã khiến ngành công nghiệp thời trang tiến đến rất gần với một giai đoạn phát triển mới, sản xuất quần áo không qua công đoạn may, đo thủ công.
Nếu sản xuất hàng loạt quần áo bằng in 3D, sẽ chỉ đơn giản là thiết kế, ghi các thông số và in hàng loạt. Nếu phục vụ cho từng cá nhân, cũng chẳng khó khăn gì khi dùng camera, các cảm biến để đo ngay lập tức số đo của người dùng, sau đó tuỳ chỉnh trên thiết kế có sẵn và... in ra trong vòng vài phút.
Hiện tại, nếu bạn muốn may một bộ Vest theo phong cách Bespoke (cá nhân hoá), trên phố Savile Row của nước Anh, vốn nổi tiếng với sự tỉ mỉ trong từng số đo của khách hàng, giá sẽ lên tới hàng chục nghìn USD. Nhưng trong tương lai, có thể bạn sẽ chỉ phải trả tiền tương ứng theo... nguyên liệu.
Công nghệ in 3D đã xuất hiện từ những năm 1980, tuy nhiên, trong 5 năm gần đây mới có nhiều đột phá, khiến những máy in 3D trung bình có giá lên tới 20.000 USD vào năm 2011 có thể chỉ còn 1000 USD trong thời điểm hiện tại.
Những sản phẩm được in 3D cũng rất phong phú, bao gồm các chi tiết ô tô, mô hình, thậm chí là... súng và bây giờ là quần áo.