QH thảo luận về KT-XH: Cần cắt giảm đầu tư công để hướng tới người nghèo

QH thảo luận về KT-XH: Cần cắt giảm đầu tư công để hướng tới người nghèo

(GD&TĐ) - Hôm nay 26/3, kỳ họp thứ 9, QH khóa XII tiếp tục làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2011 (kết hợp thảo luận về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng NSNN năm 2011 từ tiền lãi dầu khí để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam …
 
Tại phiên thảo luận, các ĐB QH đã tập trung bàn về 3 nhóm vấn đề gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung để chính thức hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ cả năm 2010 về KT-XH và ngân sách Nhà nước, cần rút ra những vấn đề gì trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp và trong tổ chức chỉ đạo thực hiện; Tình hình năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 cần quan tâm những vấn đề gì trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và những đề xuất mới; Phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

Đại biểu quốc hội
Đại biểu quốc hội nêu ý kiến thảo luận

Về cơ bản, đa số ĐB thảo luận đều thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra và đánh giá cao việc Chính phủ chỉ đạo kịp thời điều chỉnh về thị trường vàng, ngoại tệ, lạm phát, giá cả tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như điều chỉnh việc ban hành Nghị quyết 11 là đúng đắn nhằm tạo đồng thuận cho xã hội và đang đạt kết quả tích cực.

Số thu Ngân sách Nhà nước vượt 21,2% so dự toán, phần nào phản ánh kết quả tích cực của sản xuất kinh doanh trong nước phát triển, của sự biến động do giá cả tăng cao, tỷ giả hối đoái thay đổi, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.

Theo số liệu báo cáo QH tại Kỳ họp 8, tổng chi Ngân sách Nhà nước năm 2010 ước đạt 642.200 tỷ đồng, tăng 10,3% (60.000 tỷ đồng so với dự toán). Theo báo cáo đánh giá bổ sung, chi Ngân sách Nhà nước năm 2010 tăng 15% so với dự toán.

Tuy nhiên, thảo luận về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng Ngân sách Nhà nước năm 2011 từ tiền lãi dầu khí để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), nhiều ĐB cho rằng, theo báo cáo của PVN  và Bộ Công thương, cơ chế và kế hoạch sử dụng 3.500 đồng này là không thống nhất bởi trong báo cáo lần đầu của PVN triển khai cho 3 dự án, nhưng sau đó Bộ Công thương báo cáo là 1 dự án. Trong năm 2011, PVN dự định đầu tư 105.000 tỷ đồng, vậy ai là người duyệt danh mục đầu tư này.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cho biết: “không thể nói PVN là doanh nghiệp thì muốn đầu tư như thế nào cũng được. Vì đây là Tập đoàn của Nhà nước, số tiền đó đầu tư là Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị Nhà nước cần phải xem xem xét việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, trong đó có PVN. Bởi thực tế hiện nay, PVN đang đầu tư ra rất nhiều ngành, trong đó có bất động sản. Vậy đó có phải là nhiệm vụ chính của Tập đoàn hay không? Hay PVN được giao trọng trách thăm dò, khai thác chế biến dầu khí. Tôi cũng đề nghị cần phải xem xét lại các khoản để lại đầu tư cho PVN cũng như kiểm tra, giám sát số tiền từ trước đến nay và có cơ chế cho tập đoàn  trong việc đầu tư giống như các tập đoàn tài chính khác.”

Còn ĐB Mai Thị Anh Tuyết (An Giang) lại cho rằng, đây là lợi nhuận thu được của doanh nghiệp sau khi đã bù đắp chi phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Đây không thuần túy chỉ là nguồn lợi nhuận của doanh nghiệp PVN, là cơ quan thay mặt cho Nhà nước. Do đó nguồn thu này là nguồn thu của Nhà nước và sử dụng một phần số thu này đầu tư trở lại cho ngành dầu khí là đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) lại đề nghị Nhà nước không chỉ đầu tư cho PVN mà còn đối với các Tập đoàn, Tổng công ty khác. Hiện nay, việc quản lý các Tập đoàn, Tổng công ty còn lộn xộn, không nắm được họ sử dụng vốn đó như thế nào, hiệu quả ra sao?

Buổi chiều, các ĐB tiếp tục thảo luận tại Hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ. Ý kiến nhiều ĐB tập trung vào vấn đề đầu tư công, ứng phó biến đổi khí hậu, các chính sách đối với người nghèo…

Theo ĐB Lê Danh (Gia Lai), qua các năm đầu tư công liên tục tăng, năm 2010 cao hơn 67%, gấp đôi các nước xung quanh. Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư công chủ yếu cho lĩnh vực kinh tế (70%), trong khi về xã hội, y tế, văn hoá... chưa đến 20%. Do đó, cần chuyển đổi để những vùng nghèo, yếu thế có thể hưởng lợi, giảm bất bình đẳng. Ngoài ra, ĐB Danh cũng cho rằng, mặc dù coi phát triển nông nghiệp nông thôn có vai trò quan trọng, nhưng đầu tư cho nông nghiệp chỉ hơn 1,4% và thấp hơn nhiều so với khu vực là chưa hợp lý. Theo ĐB, cần tăng cường đầu tư vào khu vực này hơn nữa.

Đồng quan điểm ý kiến trên, ĐB Nguyễn Thị Thanh Hoà (Bắc Ninh) cho rằng, với những công việc Chính phủ, Thủ tướng đã thực hiện được trong nhiệm kỳ qua đã đảm bảo được an sinh xã hội. Tuy nhiên, cần đầu tư thêm cho khu vực nông thôn. Đặc biệt, thực hiện chặt chính sách tiền tệ, nhưng nên đầu tư thêm cho các ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách để hỗ trợ nông dân, đặc biệt là phụ nữ….

Về các chính sách hỗ trợ người nghèo, theo đại biểu Vi Thị Tuyết (Nghệ An) cần có chiến lược lâu dài chứ không nên nhất thời. Một bất cập được ĐB đề cập là chính sách nhiều khi chưa công bằng, ví dụ như hộ nghèo và cận nghèo khác nhau chẳng là bao nhưng hưởng chế độ hỗ trợ khác nhau. Thậm chí nhiều người “cố gắng để… được nghèo”. Điều này làm mất động lực phát triển…

Cũng trong phiên thảo luận chiều 26/3, nội dung mà được nhiều ĐB QH quan tâm và đặt vấn đề với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ tới Việt Nam và các giải pháp ứng phó. Ý kiến nhiều ĐB cho rằng chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này, trong khi tình hình tại Nhật Bản vừa qua cho thấy hậu quả khôn lường từ thảm hoạ thiên nhiên.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề: Tại sao người dân Nhật Bản bình tĩnh “đón” thảm hoạ? Có nhiều lý do, nhưng do dịch vụ công tốt nên người dân tin tưởng Chính phủ. Hàng nghìn người vào nhà tạm và được chăm sóc y tế; về lương thực có thể xếp hàng nhưng đảm bảo không ai đói. Bên cạnh đó là quá trình chuẩn bị tâm lý, cách phòng, chống khi có thảm hoạ từ nhỏ.

Trước thảm hoạ kép tại Nhật Bản, một số ĐB bày tỏ lo lắng về dự án Nhà máy điện hạt nhân đặt tại Ninh Thuận của Việt Nam khi biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, khó dự đoán. ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết cần thông tin rộng rãi hơn nữa cho người dân được rõ để có sự đoàn kết quyết tâm cao nếu là dự án tốt…

Nam Khánh

 
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ