Khi ông Putin lên tiếng
Phát biểu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Putin kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. “Tôi mong muốn khẳng định rằng, chúng ta kiên quyết chống lại sự mở rộng của nhóm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó có cả bán đảo Triều Tiên” - ông Putin nói - “Chúng tôi chống lại điều đó và xem đó là sự cản trở, phá hoại và nguy hiểm”.
Tuy nhiên, khi bình luận về vấn đề này trong tình huống liên quan đến Mỹ, thì ông Putin nói rằng “đe dọa (Triều Tiên) là không thể chấp nhận được”. Ông Putin kêu gọi các bên “tìm kiếm những giải pháp hòa bình”. Các bình luận của ông Putin được đưa ra bên lề Hội nghị “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road) tại Bắc Kinh. Với sự tham gia của 29 lãnh đạo các quốc gia, Hội nghị này do ông Tập Cận Bình tổ chức, nhằm thúc đẩy tầm nhìn của ông về sự mở rộng toàn cầu của Trung Quốc.
Về phía mình, Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa hạt nhân là để trả đũa các mối nguy hạt nhân và những đe dọa từ phía Mỹ và các bên ủng hộ Mỹ. “Chúng tôi sẽ còn thử tên lửa hạt nhân bất kỳ lúc nào và tại bất kỳ đâu, tùy thuộc vào các quyết định của lãnh đạo trung ương của chúng tôi” - Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, ông Ji Jae Ryong, tuyên bố tại một cuộc họp báo vừa diễn ra ở Bắc Kinh.
“Thử lửa” cho các bên liên quan
Cần nhắc lại sự kiện hôm 14/5, Triều Tiên lại thử tên lửa Hwasong - 12. Theo hãng tin KCNA, tên lửa này đã đạt độ cao 2.111,5 km và bay một khoảng cách là 787 km. Các nhà phân tích ước tính với tầm xa đạt 4.500 km, một tên lửa như thế này có thể đặt đảo Guam - lãnh thổ của Mỹ - trong tầm với. Là một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, Guam là nơi đặt Căn cứ không quân Andersen của Mỹ, nơi có những chiếc máy bay ném bom hạng nặng như B-1, B-2 và B-52. Hãng tin KCNA cũng tuyên bố thử nghiệm này cho thấy Triều Tiên “sở hữu tất cả các phương tiện đầy sức mạnh cho việc tấn công trả đũa” trong trường hợp Washington tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào để ngăn chặn chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Việc Tổng thống Nga bày tỏ ý phần nào bảo vệ Triều Tiên đã diễn ra sau khi thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gợi ý rằng vụ thử tên lửa có thể khiến điện Kremlin sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn. Trong một tuyên bố sau vụ thử hạt nhân, ông Spicer đã phát biểu: “Với điểm rơi tên lửa rất gần với lãnh thổ Nga – thực tế là gần Nga hơn là Nhật Bản – thì Tổng thống (Mỹ) không thể hình dung ra là nước Nga sẽ hài lòng (với việc thử tên lửa của Bình Nhưỡng)”.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa ra tuyên bố rằng các thành viên của tổ chức này “bày tỏ mối quan tâm lớn nhất của họ với hành vi khiêu khích, coi thường và gây bất ổn cao độ của Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên”. Tuyên bố cũng khẳng định “các thành viên Hội đồng Bảo an thống nhất rằng Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình huống này và sẽ có những biện pháp đáng kể, trong đó có trừng phạt, phù hợp với quyết tâm trước đây của Hội đồng Bảo an”.
Thực tế Nga là một trong những nước ít ỏi giữ quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Sinh thời, cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il - cha của ông Kim Jong Un - đã từng tới Moscow trong cuộc thăm viếng chính thức, còn Putin cũng đã thăm Bình Nhưỡng năm 2000.
“Trong khi nước Nga lo ngại về Triều Tiên và tên lửa của nước này, thì Moscow cũng vẫn nhìn nhận Bình Nhưỡng như một cơ hội để giành thế thượng phong với phương Tây, đặc biệt là Mỹ” - Matthew Chance, phóng viên của CNN tại Moscow, bình luận. Có lẽ người Nga cũng không muốn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng phản ứng từ các nhà chức trách Moscow rất nhẹ nhàng, bởi họ biết rõ ràng rằng nước Nga không phải là mục tiêu của Bình Nhưỡng.