Phương pháp mới tiếp cận ngoại ngữ: Tiếng Anh kết nối, phát triển cộng đồng

GD&TĐ - Chị Caron Manashe là một chuyên gia GD đến từ Australia. Được một cố vấn của Chương trình Australia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) giới thiệu, Caron “bén duyên” với Trường ĐH Tây Bắc, trở thành tình nguyện viên làm công việc liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật/đưa ra lời khuyên về kết nối cộng đồng và dạy tiếng Anh cho cán bộ nhà trường. 

Chuyên gia Caron Manashe trên lớp học. Ảnh : NVCC
Chuyên gia Caron Manashe trên lớp học. Ảnh : NVCC

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, Caron đã kể về những giờ dạy tiếng Anh, ấn tượng về nỗ lực chinh phục ngoại ngữ của các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tây Bắc.

Cách nâng cao kỹ năng nghe - nói

- Ấn tượng đầu tiên của chị về những học viên là các cán bộ, giảng viên của một trường ĐH?

- Cán bộ giảng viên của ĐH Tây Bắc là những học viên nhiệt thành nhất mà tôi từng biết. Họ chăm chỉ học hỏi để nâng cao kỹ năng nói và nghe, hào hứng với các kiến thức kết nối cộng đồng. Họ rất thích các phương pháp giảng dạy mà tôi áp dụng, được thiết kế để tối đa hóa các cơ hội thực hành kỹ năng nghe – nói của học viên, khiến giờ học trở nên thú vị hơn.

- Chị gặp khó khăn gì và vượt qua như thế nào khi giảng dạy lớp tiếng Anh cho các lãnh đạo, cán bộ và giảng viên của Trường ĐH Tây Bắc?

- Trình độ tiếng Anh của cán bộ và giảng viên Trường ĐH Tây Bắc khá khác nhau, vì vậy chúng tôi tổ chức 3 lớp học. Tôi dành hơn hai ngày đầu tiên để phỏng vấn 76 cán bộ/giàng viên để xác định trình độ tiếng Anh của họ.

Lớp trình độ 1 (tức trình độ thấp nhất) đặc biệt là một thách thức, vì nhiều học viên trong lớp trước kia chưa từng nói tiếng Anh. Tuy nhiên, tôi biết rằng nhiều người trong số họ có trình độ tiếng Anh khá, có thể đọc và viết khá ổn, vậy nên mục tiêu của tôi là hỗ trợ để họ sử dụng được kiến thức đó. Để làm điều này, tôi sử dụng các hoạt động đa dạng trong mỗi giờ học, được thiết kế để giúp học viên thực hành các đoạn hội thoại và tiếng Anh nhiều lần, theo nhiều cách khác nhau, và thật là tuyệt vời khi sau vài tuần thì tôi được nghe họ bắt đầu sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên.

- Trong các giờ học, những câu hỏi học viên hỏi nhiều nhất là gì?

- Nhiều học viên hỏi về việc làm thế nào để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh, vì họ thấy khó hiểu khi những người nước ngoài nói nhanh, hay các video trực tuyến… Chúng tôi thảo luận về chuyện này khá nhiều trong các giờ học. Tôi luôn khuyên họ nghe tiếng Anh thường xuyên là một cách thực hành rất tốt để nâng cao cả hai kỹ năng nghe và nói, chừng nào họ hiểu được ít nhất 50%. Nếu họ hiểu ít hơn, tôi tin rằng việc đó sẽ khiến họ nản và giảm hiệu quả.

Tôi đưa ra một danh sách những nguồn học tiếng Anh online và các ứng dụng cho họ và chúng tôi cùng xem những nguồn này. Tôi cũng đưa ra lời khuyên rằng việc nghe nhạc, hay các video ngắn với các chủ đề mà họ yêu thích có thể hết sức hữu ích. Tôi chỉ cho họ cách làm chậm các video trên YouTube và có phụ đề tiếng Anh. Việc đọc to cũng rất hữu ích, và luôn luôn kiểm tra cách phát âm của những từ lạ bằng những ứng dụng ví dụ như Google Translate.

Sôi nổi làm việc nhóm. Ảnh: NVCC
Sôi nổi làm việc nhóm. Ảnh: NVCC

Học tiếng Anh + Kết nối/phát triển cộng đồng

- Điều gì gợi cảm hứng cho chị khi làm GV tình nguyện tại Việt Nam?

- Sau hai tuần đầu tiên, tôi nhận được một mẩu giấy thật dễ thương từ một học viên viết: “Giờ học của cô thật thú vị. Tôi không còn sợ nói tiếng Anh nữa!”. Đối với tôi, việc được nhận những phản hồi tích cực như vậy từ khá sớm khiến tôi có thêm động lực, giúp khẳng định rằng phương pháp giảng dạy của tôi là phù hợp/hiệu quả

Nhiều học viên nói với tôi rằng, đây là lần đầu tiên trong đời họ thực sự tin rằng có thể nói tiếng Anh. Học cùng tôi mang lại cho họ sự tự tin và động lực để tiếp tục học tập. Một số học viên chia sẻ đây là lần đầu tiên họ nói chuyện với một người nước ngoài. Đối với tôi, việc nhiều học viên ở lớp trình độ 1 trình bày những lời giới thiệu tuyệt vời bằng tiếng Anh về một chủ đề tự chọn trước cả lớp là một kết quả học tập tuyệt vời.

Những phản hồi từ nhóm các thầy cô mà tôi làm việc cùng về sự kết nối/phát triển cộng đồng cũng đem lại nhiều hứng thú. Nhiều người nói rằng, những phương pháp mà tôi giới thiệu làm thay đổi cách họ nghĩ về sự kết nối của cộng đồng.

- Chị có kế hoạch quay trở lại Việt Nam tiếp tục làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh? Và nếu có, chị muốn mang lại những điều gì mới cho Việt Nam?

- Tôi phải quay trở lại với công việc của mình tại Australia vào tháng 8 năm nay. Do được Trường ĐH Tây Bắc mời không chỉ để dạy tiếng Anh, mà còn trong vai trò tư vấn về kết nối/phát triển cộng đồng, tôi thử nghiệm việc kết hợp những phương pháp và cách tiếp cận của dạy/học tiếng Anh với sự kết nối và phát triển cộng đồng trong những lớp có trình độ tiếng Anh khá hơn. Học viên của tôi đưa ra những phản hồi hết sức tích cực về cách tiếp cận như vậy, và tôi cho rằng cách tiếp cận đó thực sự mang lại hiệu quả.

Tôi cũng học được rất nhiều về công tác phát triển cộng đồng thú vị mà Trường ĐH Tây Bắc đang thực hiện tại tỉnh Sơn La. Vậy nên nếu tôi quay trở lại Việt Nam tôi sẽ muốn làm nhiều hơn kiểu công việc kết hợp như vậy giữa kết nối/phát triển cộng đồng và giảng dạy tiếng Anh.

“Các giảng viên Trường ĐH Tây Bắc vô cùng hào phóng! Họ thường xuyên mời tôi đi ăn, đi thăm những nơi thú vị ở Sơn La, đến nhà thăm gia đình để hiểu về cuộc sống của họ. Tuy nhiên, khía cạnh đáng nhớ nhất của những chuyến đi, những bữa ăn cùng nhau này là tình bạn tuyệt vời mà chúng tôi có được. Tôi rất biết ơn việc có được cơ hội thực sự hiểu con người ở Việt Nam, điều sẽ không thể có nếu tôi và chồng tôi đến đây chỉ như những người khách du lịch”. 
TNV Caron Manashe

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ