Phương pháp "da kề da" cứu sống nhiều trẻ sinh non

Trẻ sinh non cần chế độ chăm sóc đặc biệt, bên cạnh đó người mẹ nên tiếp xúc da kề da với con càng sớm càng tốt để giúp bé sớm ổn định thân nhiệt, ổn định hô hấp, bú mẹ tốt và phát triển nhanh hơn.

Bé sơ sinh tiếp xúc da với mẹ sớm sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và phát triển tốt hơn. Ảnh: skinbar.
Bé sơ sinh tiếp xúc da với mẹ sớm sẽ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và phát triển tốt hơn. Ảnh: skinbar.

Bác sĩ Lý Thị Bé Lan, phụ trách chương trình Da kề da tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Thành phố Cần Thơ, cho biết sản phụ thực hiện phương pháp da kề da ngay sau khi sinh mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ. Giúp hô hấp ổn định, bé bú mẹ tốt, ổn định thân nhiệt, hấp thu dinh dưỡng tốt, tăng tình cảm mẹ và con, giảm các hỗ trợ y tế cho bé. Phương pháp này đặc biệt cần thiết với các bé sinh non và nhẹ cân.

Tiếp xúc da giữa mẹ và con nên thực hiện càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay sau sinh bằng cách đặt trẻ sơ sinh trần truồng trên ngực trần của sản phụ. Ngực mẹ là nơi hoàn hảo cho đứa trẻ phục hồi sau những căng thẳng của hành trình “vượt cạn”. Đó là nơi thoải mái, bình yên và ấm áp nhất để bé bắt đầu cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Trừ khi cần có sự can thiệp y tế ngay lập tức, nếu không các bé nên được nghỉ ngơi trên ngực mẹ ít nhất một giờ sau khi chào đời.

Bác sĩ Lan cho biết thời gian qua Khoa Sơ sinh đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều trẻ sinh non, nhẹ cân nhờ áp dụng phương pháp da kề da. Điển hình là trường hợp một sản phụ chuyển dạ khi thai nhi mới được 29 tuần tuổi. Bé trai chào đời cân nặng chỉ 1,95 kg. Bé khóc yếu, môi tái, tay chân lạnh và bầm tím nên lập tức được chuyển lên phòng ICU chăm sóc đặc biệt, đồng thời được bóp bóng liên tục và đặt nội khí quản.

Sau 19 ngày được bác sĩ theo dõi nghiêm ngặt với sự hỗ trợ của máy thở, NCPap, kết hợp thực hiện phương pháp da kề da ngắt quãng với mẹ, sức khỏe của bé đã dần ổn định. Hiện đứa trẻ đã được ra phòng nằm cùng mẹ và ngưng truyền dịch, cho ăn sữa mẹ qua thông dạ dày với 35 ml sau mỗi 3 tiếng đồng hồ. Từ đó đến nay, nhờ thực hiện da kề da liên tục 24/24h, sức khỏe em bé đã tiến triển tốt, nhịp thở đều đặn hơn.

Chị Thủy quê Cần Thơ cũng thực hiện thành công phương pháp này khi sinh bé trai ở tuần 32. Bác sĩ cho biết bệnh nhân chuyển dạ sinh non quá sớm, người mẹ lại khá lớn tuổi kèm bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ khi lâm bồn. Rất may cuộc vượt cạn đã thành công tốt đẹp song bé chào đời sức khỏe khá yếu, chỉ nặng khoảng 2 kg dù dấu hiệu sinh tồn tốt.

Bên cạnh chế độ chăm sóc đặc biệt, chị Thủy và con trai còn được các bác sĩ hỗ trợ thực hiện tiếp xúc da kề da sau sinh sớm. Nhờ đó bé nhanh chóng ổn định thân nhiệt, ổn định hô hấp, bú mẹ tốt hơn. Sau 2 ngày, sức khỏe của đứa trẻ hiện đã ổn định và chờ ngày xuất viện về nhà.

Bác sĩ Lan cho rằng việc thực hiện phương pháp da kề da sẽ hiệu quả hơn nếu sản phụ tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt đối với những bé sinh non quá nhẹ cân, yếu sức. Bệnh viện từng điều trị cho một sản phụ chuyển dạ khi thai chỉ mới 33 tuần mặc dù trước đó sức khỏe của mẹ và bé rất tốt. Sản phụ này sinh thường một bé trai chỉ nặng 1,7 kg.

Bé sơ sinh rất yếu nên lập tức được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt để cho thở NCPap, thể trạng của bé không đáp ứng được nên phải thở máy. Sau 5 ngày bé mới được cai máy thở và chuyển về cho mẹ. Bác sĩ cũng hướng dẫn sản phụ thực hiện tiếp xúc da kề da liên tục, nhờ đó, sức khỏe của em bé phục hồi khá nhanh, đến nay không cần truyền dịch nữa và đã bú sữa mẹ được 30 ml sau mỗi 3 giờ.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…