GS.VS Đào Trọng Thi |
Thưa GS.VS Đào Trọng Thi, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 để lấy ý kiến của nhân dân. Có một số ý kiến lo ngại, thậm chí bức xúc cho rằng Bộ liên tục đổi mới kỳ thi sẽ gây khó khăn cho học sinh và giáo viên trong việc ôn thi. Quan điểm của GS như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, đổi mới khác với cải cách, đổi mới là một quá trình thường xuyên. Bởi vậy, việc đổi mới, điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm là cần thiết, nhất là khi chúng ta đang triển khai Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo duc và đào tạo. Vấn đề là việc đổi mới, điều chỉnh cần đáp ứng những yêu cầu sau:
Thứ nhất, phải bám sát định hướng đổi mới, nhắm đến mục tiêu giáo dục là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh.
Thứ hai, phải có lộ trình hợp lý, đảm bảo tính khả thi và bền vững, tránh gây sốc cho học sinh và xã hội.
Thứ ba, phải mang lại hiệu quả thiết thực, giảm tải áp lực và tốn kém cho học sinh và xã hội, kết quả thi khách quan làm căn cứ tin cậy để công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án thi của Bộ GD&ĐT về cơ bản đã thể hiện tinh thần nêu trên. Tuy nhiên, Bộ cần lắng nghe thêm ý kiến của chuyên gia và người dân, cân nhắc chọn lọc những nội dung điều chỉnh thực sự cần thiết và thiết thực, chuẩn bị kỹ khâu đề thi, nhất là đối với các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN), khoa học xã hội (KHXH) và trắc nghiệm môn Toán.
Theo đánh giá của ông, đâu là những điểm tích cực của dự thảo phương án thi và tuyển sinh 2017?
- Việc bỏ loại cụm thi đại học, chỉ tổ chức một loại cụm thi địa phương là phù hợp với chủ trương tiến tới phân cấp hẳn việc tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các địa phương. Băn khoăn về tính trung thực, nghiêm túc trong các khâu coi thi, chấm thi tại cụm thi địa phương sẽ được khắc phục vì hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ Văn) sẽ được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan và được chấm tự động bằng phần mềm máy tính.
Một trong những điểm mới của phương án thi và tuyển sinh năm 2017 đang nhận được khá nhiều ý kiến từ dư luận, đó là thay bằng các môn thi riêng lẻ sẽ có hai tổ hợp bài thi KHTN và KHXH. Cá nhân ông nhìn nhận điểm mới này như thế nào?
Thông tin ban đầu chưa rõ về các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH đã làm cho dư luận lo ngại vì liên tưởng đến các môn học tích hợp dự kiến trong chương trình giáo dục đổi mới mà học sinh chưa được học trong chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Nhưng theo dự thảo phương án thi mà Bộ chính thức công bố thì năm 2017 các bài thi KHTN và KHXH mới chỉ là tổ hợp các câu hỏi về kiến thức của từng môn học riêng rẽ. Bởi vậy, hoàn toàn nằm trong phạm vi kiến thức của chương trình đang giảng dạy tại nhà trường.
Việc thiết kế bài thi tổ hợp các môn KHTN và KHXH là một điều chỉnh hợp lý nhằm khắc phục tình trạng học lệch, đồng thời là bước chuẩn bị hình thành các môn học tích hợp về các lĩnh vực này trong tương lai gần.
Nhiều học sinh lo ngại hai bài thi tổ hợp sẽ làm tăng số môn học phải ôn tập trong khi các em đã ôn thi từ lâu theo các khối thi truyền thống. Thực ra, các em chỉ phải ôn thêm một môn cho hầu hết mỗi khối thi.
Một số trường đại học băn khoăn rằng các bài thi tổ hợp có thể hạn chế tính chuyên sâu của các khối thi truyền thống. Nhưng thực tế, đối với bài thi tổ hợp, ngoài điểm chung của cả bài thi còn có điểm riêng của từng môn học và các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các điểm riêng môn học đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn học theo nhu cầu.
Dư luận đang đặt câu hỏi, việc áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán vào năm 2017 là phù hợp hay chưa phù hợp? Ông sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kể cả là tuyển sinh ĐH, CĐ về cơ bản vẫn là thi để kiểm tra năng lực cơ bản mang tính chất toàn diện của học sinh. Đó chưa phải là các năng lực vượt trội, năng lực chuyên biệt của những người lấy Toán làm mục tiêu theo đuổi nghề nghiệp của mình.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy hình thức thi trắc nghiệm môn Toán thường được sử dụng để thi tốt nghiệp THPT cũng như phần lớn các kỳ thi tuyển chọn số đông như tuyển sinh đại học.
Để đảm bảo đề thi môn Toán có tính phân loại cao, tôi cho rằng bên cạnh các câu hỏi trắc nghiệm môn Toán đơn giản có thể nhẩm tính và trả lời nhanh, người làm đề còn thiết kế những câu hỏi trắc nghiệm dưới dạng bài toán nhỏ với độ phức tạp và độ khó cao hơn, đòi hỏi phải giải trước trên giấy nháp rồi mới xác định được đáp án.
Ngoài ra, việc thi trắc nghiệm đã được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, thể hiện qua số lượng học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN hàng năm. Trong đó có nhiều em không xác định vào học tại ĐHQGHN nhưng vẫn đi thi để tập dượt.
Với tinh thần đó, tôi cho rằng việc môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm hoàn toàn có thể làm được và không nhất thiết phải lùi thời gian thực hiện. Chúng ta đang làm theo lộ trình đổi mới, mỗi năm điều chỉnh một chút để tránh “sốc” cho dư luận, nếu năm nay không làm thì công việc sẽ dồn lại cho những năm tiếp theo và ảnh hưởng đến cả lộ trình đổi mới.
Thưa GS, ông có lưu ý gì không với phương án của kỳ thi năm nay?
- Thứ nhất, về bài thi tổ hợp các môn KHTN hoặc KHXH thực chất là 3 bài thi nhỏ về các môn học riêng rẽ. Vậy với số câu hỏi và thời lương thi chỉ bằng 1/3 bài thi thông thường thì các bài thi nhỏ có đủ khả năng đánh giá và phân loại năng lực học sinh về môn học tương ứng hay không?
Thứ hai, Bộ GD&ĐT dự kiến sử dụng ngân hàng đề thi chuẩn hóa do Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng, có điều chỉnh, bổ sung. Đây là các câu hỏi được thiết kế để phục vụ kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó có nhiều câu hỏi có tính chất tích hợp.
Bởi vậy, khi sử dụng, Bộ cần cân nhắc xác định và điều chỉnh độ khó phù hợp với năng lực thực tế của đông đảo học sinh vẫn còn đang học theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo lối truyền thụ kiến thức của từng môn học riêng biệt.
Trân trọng cảm ơn GS!