Phú Thọ: Lên kịch bản cụ thể phòng chống dịch nCoV trong trường học

Phú Thọ: Lên kịch bản cụ thể phòng chống dịch nCoV trong trường học

3 tình huống phòng chống dịch

Kế hoạch của Sở GD&ĐT Phú Thọ đưa ra 3 tình huống: Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xuất hiện trường hợp bệnh xâm nhập vào cơ sở giáo dục; dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Với tình huống chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh tại cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường dừng tất cả các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm, hoạt động trải nghiệm; hạn chế tối đa các hoạt động tập thể cũng như các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV đeo khẩu trang đến trường.

Kiểm soát chặt chẽ các đoàn quốc tế vào, tạm dừng các đoàn là cán bộ, công chức, viên chức của ngành ra nước ngoài trong thời gian Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Hàng ngày, thực hiện việc theo dõi sĩ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên tại trường học, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh dịch, tổng hợp báo cáo theo buổi học về hình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV; tất cả các trường hợp sốt đều phải nghỉ học, nghỉ làm việc và đến cơ sở y tế để khám, điều trị và thông tin với nhà trường kết luận của cơ quan y tế. Khi có bệnh dịch xảy ra tại trường học tuyệt đối không được giấu dịch, phải báo cáo ngay với cơ quan quản lý cấp trên và phối hợp với cơ quan y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch theo qui định…

Sở GD&ĐT cũng yêu cầu rất cả các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai ngay các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; Đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học. Thực hiện vệ sinh, tẩy trùng 100% trường lớp học và các thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em.

Các phòng GD&ĐT phối hợp với các phòng chức năng tham mưu cho UBND cấp huyện đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất (nước sạch, xà phòng, chất khử trùng, diệt khuẩn, thiết bị phòng hộ, thiết bị y tế, phòng cách ly, điều trị ....) phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại nhà trường và địa phương.

Tình huống 2, xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào cơ sở GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh; phối hợp giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các cơ sở GD&ĐT, đơn vị.

Theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên người các cấp để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

Các cơ sở GD&ĐT trong trường hợp khi phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV mà cơ sở y tế kết luận bị viêm đường hô hấp cấp do 2019-nCoV phải báo cáo UBND cấp huyện, Sở GD&ĐT xin ý kiến phương án tổ chức các hoạt động giáo dục. Sở GD&ĐT cũng sẽ thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT.

Tình huống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cơ sở GD&ĐT, các cơ sở GD&ĐT trong trường hợp khi phát hiện cán bộ, giáo viên, nhân viên, HSSV mà cơ sở y tế kết luận bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra lây lan trong cơ sở giáo dục phải báo cáo UBND cấp huyện, Sở GD&ĐT xin ý kiến phương án cho học sinh nghỉ học.

Đồng thời, báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp thường trực chỉ đạo, huy động nguồn lực, triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị cơ sở.

Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.

Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

Trong kế hoạch, với các phòng GD&ĐT huyện, thị, thành, các trường đại học, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu rạm ngừng các hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, học sinh với các quốc gia đang có dịch. Chủ động liên hệ với cơ sở liên kết đào tạo và có văn bản thông báo tạm dừng nhập học đối với các sinh viên người Trung Quốc.

Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh

Thông tin từ Sở GD&ĐT Phú Thọ, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm sang người và bùng phát dịch; công tác giám sát đang được triển khai thường xuyên, chặt chẽ, đã kiểm tra một số trường hợp, cụ thể:

Có 1 trường hợp sinh viên học tập tại Vũ Hán trở về nhà tại xã Quang Húc, huyện Tam Nông ngày 7/1/2020 đã được các đội đáp ứng nhanh của tỉnh và của huyện Tam Nông giám sát, điều tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy không có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Trường hợp 3 mẹ con từ Quảng Đông, Trung Quốc trở về thị trấn Lâm Thao ngày 17/1/2020. Hiện tại cả 3 trường hợp sức khỏe bình thường và tiếp tục được theo dõi chặt chẽ.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 180 người lao động Trung Quốc, Đài Loan làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp: Phú Hà (Thị xã Phú Thọ), Sóc Đăng (huyện Đoan Hùng), Trung Nghĩa (huyện Thanh Thủy).

Tại Trường Đại học Hùng Vương hiện có 27 du học sinh và giảng viên Trung Quốc đang theo học và giảng dạy. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, phần lớn số lao động và du học sinh này đã về Trung Quốc ăn Tết, hiện chưa nhập cảnh trở lại Việt Nam. Số lao động Trung Quốc chủ yếu thuê nhà ở tại đường Tiên Dung, khu Trầm Sào và khách sạn Mường Thanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ