Tuy nhiên, cơ quan hữu trách cảnh báo người dân, “chiêu” này không dễ “qua mặt” Cảnh sát giao thông.
Trước phân vân của tôi về giấy tờ xe để đăng ký xe máy điện, bà chủ một cửa hàng xe đạp điện, xe máy điện trên đường Tôn Đức Thắng (Đống Đa, Hà Nội) đã cho tôi số điện thoại để liên hệ “biến” xe máy điện thành xe đạp điện trong “nháy mắt”.
Lần theo số điện thoại chủ cửa hàng cho, tôi tới cửa hàng cách đó 10 nhà, cũng buôn bán xe. Trong cửa hàng lúc ấy có khoảng 5 người thợ đang chúi đầu vào một chiếc xe, vừa tháo lắp, vừa làm điện.
Làm xe theo đơn hàng, mẫu nào cũng có
Ông chủ cửa hàng bước ra quảng cáo: “Ở cửa hàng anh, em thích mẫu xe điện nào cũng có, thậm chí anh có thể làm xe cho em theo đơn đặt hàng”. Trò chuyện làm quen một hồi, ông chủ kể, cửa hàng ông chuyên nhập linh kiện làm xe đạp điện.
“Những chiếc xe nơi đây hầu như không qua cửa khẩu nào hết. Tất cả những linh kiện cấu thành một chiếc xe được đặt mua bên Trung Quốc, cái nào dễ sản xuất như chân chống thì mình có thể thu mua lại từ các cửa hàng xe máy, đồ thải về “mông má”, sơn một chút lắp vào thì ai biết đấy là đâu” - Ông này kể.
Cách thức lắp ráp thì đơn giản, lúc nào cũng có sẵn một đội thợ chuyên nghiệp đảm nhiệm việc này. Thậm chí cửa hàng thu mua lại những kiểu khung của xe cũ, sau khi sơn, ráp lại, dán tem là thành xe mới. “Chất lượng thì như nhau, đi được là được chứ chẳng có vấn đề gì cả” - Ông chủ khoe.
Thấy tôi còn phân vân, chủ cửa hàng trấn an: “Em yên tâm. Cảnh sát phạt xe máy điện thì mình lắp thêm pê đan vào thành xe đạp điện ngay chứ lo gì. Nếu thích, mình có thể thay ắc quy đi, làm xe chạy chậm hơn chút thì ai bắt lỗi được mình”. Nói rồi chủ cửa hàng lấy số điện thoại của tôi và hẹn khoảng 1 tiếng đồng hồ sau sẽ có thợ tới tận nhà lắp đặt.
45 phút để “thô sơ hóa” xe máy
Đúng giờ hẹn, một nam thanh niên tới xách theo túi nilong đồ nghề và bắt đầu “phù phép” biến xe máy điện thành xe đạp điện. Những tấm nhựa và vỏ ngoài của chiếc xe được tháo rời ra, sau đó những bộ phận như nhông, xích, líp được được khéo léo đưa vào, căn chỉnh cho hợp lý trong tiếng gõ, đục inh tai.
Vừa làm, cậu thợ vừa kể, năm nay mới 19 tuổi nhưng cậu đã có gần 3 năm trong nghề sửa chữa xe đạp điện. Cậu tâm sự: “Trước em đi học sửa chữa xe máy nên những việc sửa chữa hay chế xe đạp điện này em làm rất đơn giản.
Cửa hàng em lúc nào cũng túc trực 5 anh em thợ ăn, ngủ nghỉ tại chỗ. Công việc hàng ngày là lắp xe và đi sửa chữa xe cho khách hàng.
Khoảng chục ngày nay rất bận vì liên tục có những khách hàng lắp pê đan hay thay ắc quy cho xe máy điện. Những xe có cấu trúc trục ở giữa thì còn chế dễ dàng chứ những xe không có bọn em không thể làm ngay được mà phải mang về cửa hàng để có đầy đủ dụng cụ để còn khoan cắt, hàn xì…”.
Giá lắp đặt cho những chiếc xe có trục sẵn dao động từ 370 - 500 nghìn đồng. Còn với những chiếc xe phải chế thêm hay cắt đục thì giá vô cùng, có cái có thể lên tới 1 hay 2 triệu đồng.
“Nhưng thật sự đã là xe máy điện lắp thêm hay không cũng chỉ là để đấy cho cơ quan chức năng người ta đỡ bắt thôi, chứ nói thật vị trí của những bàn đạp thiết kế như thế người đi cũng chẳng có tư thế hay vị trí ngồi mà đạp được” - Cậu thợ nói.
Theo kinh nghiệm của cậu thợ, có những chiếc xe do thiết kế không thể lắp được thì chỉ còn cách là hàn “chết” ở một tư thế và như thế rất xấu, nhưng có những người vẫn làm để tránh phải đi đăng ký. Ngoài ra, bên cậu cung cấp đủ loại ắc quy và bộ đổi nguồn để thay thế vận tốc của xe máy điện cho giống xe đạp điện.
Và chỉ sau khoảng 45 phút biến hoá, chiếc xe máy điện đã được lắp thêm đôi bàn đạp, và đúng như lời cậu thợ, ở vị trí đó, chiếc bàn đạp chỉ vận hành được khi người trước lái, người sau đạp…