(GD&TĐ) - Báo Tuổi trẻ ngày 1/4/2013 có bài Phụ nữ không nên tự giam hãm mình, đề cập đến sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý với rào cản “bức trần kính”. Bàn về vấn đề này, có thể thấy lĩnh vực phụ nữ tham chính ở nước ta vẫn đang trong cảnh “đường xa, gánh nặng”.
Tỷ lệ phụ nữ tham chính: xếp hạng quốc tế
Theo báo cáo của Liên minh Nghị viện Thế giới, tỷ lệ ĐBQH nữ Việt Nam có thứ hạng giảm dần trong vòng gần hai thập kỷ qua: Vào năm 1997, Việt Nam là một trong mười nước đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng Liên minh Nghị viện thế giới về số lượng nữ ĐBQH. Năm 2002, Việt Nam xếp thứ 18 trong số 118 nước. Còn hiện tại, tỷ lệ phụ nữ tham chính tại Việt Nam đứng thứ 43 thế giới, giảm so với thứ 36 vào năm 2010 và 2009, thứ 33 năm 2008, thứ 31 năm 2007, thứ 25 năm 2006 và thứ 23 năm 2005. Việt Nam là một trong 21 quốc gia có sự sụt giảm rõ rệt về tỷ lệ phụ nữ tham chính. Đến năm 2012, Việt Nam đã rớt xuống thứ 44 trên thế giới. Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2010 về sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong chính trị ở cấp độ vùng, Việt Nam xếp thứ 7 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau Ấn Độ, Pakitstan, Apganistan, New Zealand, Australia và Bangladesh. Ở cấp độ hành chính, Việt Nam xếp thứ 83 thế giới về số lượng nữ ĐBQH, các quan chức và nhà quản lý nữ cao cấp. Điều này có nghĩa, cứ 78 quan chức cao cấp nam, có 22 quan chức cao cấp nữ. Khi xét đến số lượng nữ Bộ trưởng, Việt Nam xếp thứ 124 trên 129 quốc gia.
Còn số liệu thực tế qua ba kỳ quốc hội gần đây (từ khóa XI đến XIII) tỷ lệ nữ ĐBQH lần lượt là: 27,31%; 25,76% và 24,4% (xếp sau cả CHDCND Lào: 25%). Điều đáng nói là từ năm 2006 trở lại đây, Quốc hội đã thông qua Luật bình đẳng giới, và BCH Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ trong thời kỳ CNH - HĐH. Thế nhưng, tỷ lệ nữ ĐBQH vẫn giảm dần, và vẫn chưa đạt được chỉ tiêu 30% nữ ĐBQH như mong đợi. Đây là một chỉ tiêu không dễ thực hiện, và trong các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt và vượt nhiều mục tiêu, duy chỉ có Mục tiêu thứ ba với chỉ tiêu tăng quyền lực cho phụ nữ, thì không đạt.
Nữ đại biểu Quốc hội trẻ nhất Quốc hội khóa XIII Vũ Thị Hương Sen - đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương |
Bức “trần kính”: hữu hình và vô hình
Các nhà nữ quyền trên thế giới, khi phân tích rào cản phụ nữ trên con đường tham chính, đã đưa ra quan điểm “trần kính” (glass ceiling), hàm ý có những “rào cản vô hình” đối với phụ nữ trong tiến trình bình đẳng giới. Vì “trần kính” trong suốt nên phụ nữ không nhìn ra “giới hạn” của sự phát triển mà xã hội và nam giới đặt ra, do vậy sẽ “đụng trần” và rớt xuống nếu muốn “vươn lên cao, bay lên cao”. Bản chất của “rào cản vô hình” chính là định kiến giới, nó vừa hữu hình vừa vô hình. Có thể nhận diện ở những khía cạnh sau đây:
“Trần kính” hữu hình: Thể hiện ở các văn bản chính sách, luật pháp gây bất lợi cho phụ nữ. Ví dụ, quy định độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng thì tuổi phụ nữ thường trẻ hơn nam giới 5 năm. Có thể, những người xây dựng chính sách quan niệm vì tuổi nghỉ hưu của phụ nữ ít hơn nam giới 5 năm nên cứ việc “áp dụng” khung tuổi này vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điều này cũng được thể hiện ở quy trình quy hoạch cán bộ nguồn. Với chính sách thiếu sự nhạy cảm giới như vậy, phụ nữ luôn thiệt thòi, nhiều chị em rơi vào tình huống “cánh cửa đóng lại” trước khi “cơ hội được mở ra”.
Mấy năm qua, Chỉ thị 03 ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Phong trào này cổ vũ chị em phấn đấu trong hoạt động xã hội nhưng cũng phải làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Nói cách khác, để đạt được danh hiệu Hai giỏi, phụ nữ phải cố gắng vươn lên, làm tròn hai vai việc nhà, việc nước. Đã nhiều lần tôi trao đổi với lãnh đạo Tổng LĐLĐ và Hội PNVN, rằng phong trào này đậm chất bất bình đẳng giới. Vì nó chỉ đòi hỏi phụ nữ Hai giỏi mà không yêu cầu nam giới phải giỏi việc nước, đảm việc nhà như phụ nữ. Nếu vẫn giữ phong trào Hai giỏi, theo tôi nên đưa ra thông điệp “Cán bộ, công chức giỏi việc nước, đảm việc nhà” thay cho phong trào thi đua phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Hiện tượng “trọng nam” không chỉ thể hiện ở phong trào Hai giỏi, mà còn biểu hiện rất cụ thể ở mất cân bằng giới tính khi sinh, ở mức đáng báo động với 113 bé trai/100 bé gái. Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), dự báo rằng đến năm 2035, Việt Nam sẽ “thặng dư” ít nhất 10% nam giới.
Nhiều hội nghị, hội thảo hoặc tập huấn với nội dung liên quan đến bình đẳng giới thì người tham gia chủ yếu là… chị em. Rất hiếm đại biểu là nam giới. Điều này có hai lý do: Một là, nam giới làm quản lý thường đồng nhất giới với phụ nữ (!) nên có vấn đề gì liên quan đến giới là giao cho chị em; Hai là, đa số nam giới làm quản lý không hiểu thế nào là bình đẳng giới và tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển của xã hội. Sự thiếu vắng này là một chỉ báo cho thấy sự thất bại của việc đưa chính sách giới vào cuộc sống. Điều này góp phần lý giải vì sao, mấy năm gần đây vẫn có những trường hợp vi phạm luật bình đẳng giới.
“Trần kính” vô hình:
Rào cản vô hình hiện diện từ gia đình đến cộng đồng và xã hội. Đó là quan niệm phụ nữ không có khả năng lãnh đạo như nam giới (!?), là sự khắt khe trong đánh giá, bổ nhiệm và đề bạt phụ nữ. Việc áp dụng chuẩn mực kép trong quan hệ giới tạo nên bất công đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực trong gia đình và ngoài xã hội. Một bộ phận không nhỏ những người chồng không ủng hộ vợ làm quản lý, thậm chí còn không chấp nhận vợ có địa vị xã hội cao hơn mình.
Nếu như “rào cản vô hình” có nguồn gốc từ tư tưởng “trọng nam” thì cũng đừng quên rằng tâm lý mặc cảm, tự ty của phụ nữ, cộng thêm sự đố kỵ “níu áo nhau” trong giới nữ cũng chính là chị em tự kéo rào chặn lối trên con đường đi của chính mình. Phụ nữ chiếm gần 51% dân số cả nước, nếu tất cả cử tri nữ đều bầu cho ứng viên nữ, thì cơ hội trúng vào các cơ quan dân cử của nữ giới sẽ tăng lên nhiều hơn. Tiếc rằng, có vẻ như nhiều chị em cũng không ủng hộ phụ nữ làm lãnh đạo?
Với những “rào cản” vô hình và hữu hình được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, cho thấy đường xa, gánh nặng trên tiến trình bình đẳng giới nói chung và tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính nói riêng. Với bối cảnh như vậy, rất ít hy vọng đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, nữ ĐBQH và HĐND các cấp đạt từ 35% đến 40%”.
Mặc dù vậy, việc nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp xã hội là việc cần thiết và đòi hỏi một quá trình dài lâu, thì việc có thể làm ngay là thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm.
Hơn 10 năm trước, khi giảng môn Xã hội học về Giới cho đối tượng là cán bộ đi học, tôi có đưa ra tình huống “Suy nghĩ của bạn nếu làm việc dưới sự lãnh đạo của phụ nữ”, và tôi nhớ bài viết của một nam giới làm việc tại cơ quan nghiên cứu phụ nữ, nói rằng anh ta sẽ xin đi nơi khác nếu sếp là phụ nữ. Mới đây, nghiên cứu về phụ nữ tham chính do CPEW và ActionAid Việt Nam khảo sát tại 5 tỉnh, khảo sát cán bộ nữ cho kết quả đáng chú ý về thái độ đối với phụ nữ tham chính ở địa phương: có đến 40% “không phục tùng nữ lãnh đạo như với nam”, 63% cho rằng yêu cầu với nữ lãnh đạo khắt khe hơn; 58% cho rằng đánh giá thiếu công bằng về nỗ lực đóng góp của phụ nữ, và 32% coi thường năng lực của phụ nữ. |
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh